Thay đổi lập trường
Những tuyên bố gần đây của ông Zelensky cho thấy dường như nhà lãnh đạo Ukraine có phần thay đổi lập trường với Nga, so với quan điểm cứng rắn "một tấc cũng không nhường" sau khi chiến dịch quân sự do Moscow phát động nổ ra vào tháng 2/2022.
Theo một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian (Anh) được công bố vào ngày 11/2, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc trong cuộc họp sắp diễn ra tại Hội nghị An ninh Munich với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance - một người chỉ trích mạnh mẽ việc Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ukraine đã bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh biên giới Kursk của Nga hồi tháng 8/2024, ban đầu chiếm được khoảng 1.300 km2, trong nỗ lực giành được thế chủ động trong các cuộc đàm phán tiềm năng. Mặc dù lực lượng Ukraine đã mất khoảng một nửa diện tích đó, nhưng gần đây họ được cho là đã tiến thêm 2,5 km trong một cuộc tấn công mới.
Máy bay chiến đấu MIG-29 của Ukraine bay qua miền Đông Ukraine, tháng 1/2023. (Ảnh: Getty Images)
"Đổi lãnh thổ này để lấy một lãnh thổ khác"
"Chúng tôi sẽ đổi một lãnh thổ này lấy một lãnh thổ khác", ông Zelensky nói với tờ Guardian, mà không nêu rõ Ukraine sẽ tìm kiếm vùng đất nào do Nga chiếm đóng để đổi lại.
"Tôi không biết, chúng tôi sẽ cân nhắc tùy tình hình. Nhưng tất cả lãnh thổ của chúng tôi đều quan trọng, không có ưu tiên nào", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Những cuộc thảo luận về việc chấm dứt cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine đã gia tăng khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/1/2025.
Chính quyền Trump 2.0 đặt mục tiêu chấm dứt cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine sau 100 ngày kể từ ngày nhậm chức - ông Keith Kellogg, đặc phái viên hòa bình Ukraine của Tổng thống Trump, cho biết vào ngày 8/1/2025.
Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới độc lập số 110 vận hành pháo tự hành Paladin 155mm của Mỹ theo hướng Velyka Novosilka ở tỉnh Donetsk, tháng 1/2025. (Ảnh: Getty Images)
Thừa nhận vai trò quan trọng của Mỹ
Ông Zelensky thừa nhận rằng Ukraine sẽ không thể được hưởng các đảm bảo an ninh, chỉ với các đối tác châu Âu. "Nếu không có Mỹ thì không phải là các đảm bảo an ninh thực sự", ông nói.
Trong chuyến thăm đầu tiên được biết đến của một thành viên trong chính quyền Trump tới Nga mới đây, đặc phái viên Steve Witkoff đã thành công trong việc vận động Moscow trả tự do cho Marc Fogel, một người Mỹ bị bỏ tù từ năm 2021 vì phạm tội ma túy.
Nhà Trắng mô tả việc thả Marc Fogel là một phần của "cuộc trao đổi", một cử chỉ thiện chí của Nga về việc chấm dứt chiến tranh.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn im lặng về kế hoạch viện trợ cho Ukraine trong tương lai. (Ảnh: AP)
"Một ngày nào đó… sẽ là của Nga"
Đầu tuần này, ông Trump đã đưa ra khả năng Ukraine "có thể là của Nga một ngày nào đó" - bình luận nhanh chóng được Moscow hoan nghênh.
"Thực tế là một phần đáng kể của Ukraine muốn trở thành Nga, và đã như vậy, là một sự thật", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ám chỉ đến việc Moscow sáp nhập bốn khu vực của Ukraine vào năm 2022, sau các cuộc trưng cầu dân ý bị quốc tế chỉ trích.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump đã vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Ukraine - theo hãng tin AFP.
Nhưng ông Trump cũng đã kêu gọi Nga thỏa hiệp trong những tuần gần đây, nói rằng Tổng thống Putin cần phải hạn chế tổn thất nặng nề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!