Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau 'màn đấu khẩu' căng thẳng tại Nhà Trắng

Đàm Linh (Theo CNN)-Thứ ba, ngày 04/03/2025 11:01 GMT+7

bangdatally.xyz - Ngày 3/3, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tạm dừng các chuyến hàng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.

Từ hy vọng chuyển thành thất vọng

Động thái của ông Trump diễn ra ngay sau cuộc tranh cãi gay gắt với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 28/2.

Ông Trump đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu tại Nhà Trắng để đi đến quyết định quan trọng đối với Ukraine. Một quan chức Mỹ cho biết lệnh này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Tổng thống Trump xác định ông Zelensky thể hiện cam kết chân thành đối với việc tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình.

"Tổng thống đã nói rõ rằng ông ấy tập trung vào hòa bình. Chúng tôi cần các đối tác của mình cũng cam kết thực hiện mục tiêu đó. Chúng tôi đang tạm dừng và xem xét lại viện trợ cho Ukraine để đảm bảo rằng nó đang góp phần vào giải pháp thúc đẩy hòa bình", một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau màn đấu khẩu căng thẳng tại Nhà Trắng - Ảnh 1.

Bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/3 phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng một thỏa thuận để chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Liên bang Nga “vẫn còn rất, rất xa”. (Ảnh chụp màn hình)

Sau gần một tuần xảy ra mâu thuẫn công khai giữa Washington và Kiev, lệnh tạm dừng viện trợ hôm 3/3 là dấu hiệu thực tế nhất cho thấy mối quan hệ Mỹ - Ukraine đã xấu đi đáng kể từ khi ông Trump nhậm chức, đồng thời là dấu hiệu có thể làm thay đổi sâu sắc cuộc xung đột tại Ukraine.

Quyết định này không chỉ tác động đến viện trợ cho Ukraine trong tương lai mà còn ảnh hưởng đến các lô vũ khí đang được vận chuyển, bao gồm các lô hàng trên máy bay và tàu, cũng như các thiết bị đang chờ chuyển giao ở Ba Lan.

Các quan chức phương Tây nhận định Ukraine có thể duy trì nhịp độ chiến đấu hiện tại trong vài tuần, xa hơn là đến đầu mùa hè, trước khi lệnh tạm dừng của Mỹ bắt đầu có tác động lớn. Trước đó, Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã vội vã vận chuyển vũ khí đến Ukraine trong những ngày cuối cùng, cung cấp cho nước này một lượng lớn vũ khí tiên tiến, bao gồm cả tên lửa ATACMS tầm xa - vốn giúp Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong khi các quốc gia châu Âu có thể thay thế các lô hàng pháo binh của Mỹ, được bổ sung bởi ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của chính Ukraine, thì các loại vũ khí tiên tiến nhất mà Kiev sử dụng lại đến từ Washington.

Bộ máy quân sự Ukraine trước nguy cơ tê liệt

"Tác động sẽ rất lớn, có thể làm tê liệt Kiev", Mark Cancian - cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, nhận định.

Ông Cancian ước tính rằng Ukraine sẽ cảm nhận được hệ lụy của việc tạm dừng viện trợ trong vòng hai đến bốn tháng, vì viện trợ từ các nước châu Âu vẫn đang giúp Kiev tiếp tục chiến đấu cho đến thời điểm hiện tại. "Tuyến đầu của họ sẽ tiếp tục sụp đổ, cuối cùng họ sẽ tan vỡ và Ukraine sẽ phải chấp nhận một giải pháp hòa bình bất lợi - thậm chí là thảm khốc", ông Cancian nói.

Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau màn đấu khẩu căng thẳng tại Nhà Trắng - Ảnh 2.

Chiến tranh đã tàn phá nhiều thành phố tại Ukraine. (Ảnh: Shutterstock)

Theo một số quan chức Mỹ, Tổng thống Trump và các trợ lý cấp cao đang tìm kiếm sự thừa nhận từ ông Zelensky - có khả năng dưới hình thức xin lỗi công khai - trước khi tiến hành thỏa thuận về khoáng sản đất hiếm với Ukraine, vốn đã gần đạt được mục tiêu ngay trước cuộc họp hôm 28/2 tại Nhà Trắng.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã công khai kêu gọi Tổng thống Zelensky xin lỗi về "màn đấu khẩu" với ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn trên CNN.

Việc dừng viện trợ cho Ukraine đã phần nào thể hiện những bất đồng rõ ràng hơn của chính quyền Trump với các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu như Anh và Pháp - những quốc gia đã bày tỏ rõ sự kiên trì ủng hộ đối với ông Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh ở London hôm 2/3.

Kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, chính quyền Biden đã công bố 74 gói viện trợ quân sự riêng biệt được rút trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ, cho phép các loại đạn dược và vật tư quan trọng được chuyển nhanh đến Ukraine. Gói lớn nhất trong số này có giá trị gần 3 tỷ USD, mặc dù hầu hết đều nhỏ hơn nhiều. Tổng thống Zelensky đã nhiều lần cảm ơn Mỹ về việc hỗ trợ các loại vũ khí tiên tiến, trên mạng xã hội cũng như trong các cuộc điện đàm và cuộc họp với các quan chức Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau màn đấu khẩu căng thẳng tại Nhà Trắng - Ảnh 3.

Các loại vũ khí tiên tiến nhất mà Kiev sử dụng, bao gồm cả tên lửa tấn công tầm xa ATACMS đều đến từ Washington. (Ảnh: EPA)

Phản ứng trái chiều từ đảng Cộng hòa

Những nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội, nơi đảng này nắm giữ đa số ghế ở lưỡng viện, đã chia rẽ những quan điểm khác nhau về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến đã kéo dài ba năm với Nga.

Thượng nghị sĩ Markwayne Mullin, một đồng minh của ông Trump, cho biết ông nghĩ rằng nghĩa vụ của Mỹ đối với Ukraine chỉ "đến một mức nào đó", nói rằng "người dân Mỹ đã mệt mỏi vì phải tài trợ cho cuộc chiến này mà không thấy hồi kết".

Ông Mullin cảnh báo nếu Tổng thống Zelensky "không muốn đàm phán hòa bình, thì chúng tôi không có nhiệm vụ phải bắt người dân nộp thuế để tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến bất tận".

Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau màn đấu khẩu căng thẳng tại Nhà Trắng - Ảnh 4.

Chính quyền Ukraine tổ chức tang lễ cho những binh lính tử trận. (Ảnh: EFE)

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz hôm 3/2 cũng cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của người dân Mỹ không phải là vô hạn và thời gian không đứng về phía Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong một cuộc phỏng vấn với Breitbart Radio vào ngày 1/3, ông Waltz thậm chí so sánh ông Zelensky với “một cô bạn gái cũ luôn lôi lại mọi chuyện xảy ra cách đây chín năm để tranh cãi, thay vì tìm cách đưa mối quan hệ tiến về phía trước”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Susan Collins lại lên án việc tạm dừng viện trợ của ông Trump, lập luận rằng Mỹ cần tiếp tục ủng hộ đồng minh của mình.

Chi tiết “màn tranh cãi” lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng Chi tiết “màn tranh cãi” lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng

bangdatally.xyz - Cuộc hội đàm của hai nguyên thủ đã trở thành màn tranh cãi căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tại Nhà Trắng hôm 28/2.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước