Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, đang trong tình trạng nguy kịch vì viêm hai lá phổi, dù có dấu hiệu cải thiện nhẹ sau 11 ngày điều trị tại bệnh viện ở Rome. Vatican cho biết vào sáng ngày 25/2 rằng: "ngài đã ngủ ngon suốt đêm". Đến nay, Tòa thánh Vatican cập nhật Giáo hoàng Francis vẫn đang điều trị tích cực, song lưu ý ngài "vẫn tỉnh táo và nhận thức tốt".
Trong buổi cầu nguyện kéo dài 45 phút vào tối 24/2 do Hồng y Pietro Parolin chủ trì, nhiều người đã lần tràng hạt và cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis sớm bình phục. Dù Vatican trước đó đã công bố một thông báo tích cực hơn, bầu không khí tại quảng trường vẫn trầm lắng. Khoảng 4.000 người có mặt đều hiểu rằng họ có thể đang chứng kiến những ngày cuối cùng của vị giáo hoàng.
"Tôi rất đau lòng khi thấy ngài phải chịu đựng", Robert Pietro, một tín đồ người Romania, xót xa khi cầm theo một ngọn nến nhỏ. Linh mục Roberto Allison từ Mexico cũng bày tỏ sự biết ơn với những gì Giáo hoàng đã làm cho Giáo hội.
Giáo hoàng Francis ngồi trên xe lăn bên trong Phòng khám đa khoa Agostino Gemelli ở Rome, Italy, ngày 11/7/2021. (Ảnh: AP)
Hồng y Angelo Bagnasco, người đã ban phước cho một số tín đồ sau buổi cầu nguyện, cho rằng sự hiện diện của những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau là "một dấu hiệu an ủi lớn" cho Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Francis đã nhập viện tại Bệnh viện Gemelli ở Rome từ ngày 14/2. Do tiền sử bệnh phổi và sức khỏe yếu ở tuổi cao, tình trạng của ngài được các bác sĩ đánh giá là "nguy kịch" và rất mong manh. Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật ngày 24/2, Giáo hoàng Francis đã không còn gặp các cơn khó thở nghiêm trọng từ hôm 22/2, và việc sử dụng oxy hỗ trợ đã giảm nhẹ.
Nhiều tín đồ Công giáo từ Chicago (Mỹ) cũng đã tham gia buổi cầu nguyện, cho biết họ cảm thấy "khó chấp nhận" việc có thể đang chứng kiến những ngày cuối cùng của Giáo hoàng. Anh Hatzumi Villanueva - tín hữu đến từ Peru - bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Giáo hoàng Francis, đặc biệt vì ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực Mỹ Latinh.
Các linh mục Công giáo cầu nguyện Kinh Mân Côi tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican để cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Francis hồi phục, ngày 24/2/2025. (Ảnh: AP)
Không chỉ bên trong Vatican, người dân Rome, khách hành hương và thậm chí cả những người không theo Công giáo, cũng bày tỏ sự tiếc thương và cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis. Raniero Mancinelli, một thợ may chuyên thiết kế trang phục nghi lễ cho Giáo hoàng và các vị tiền nhiệm, nói: "Chúng tôi đều cảm thấy buồn".
Giữa cơn mưa nặng hạt, Elisabetta Zumbo - người dẫn đầu một nhóm 34 khách hành hương từ thành phố Piacenza, Italy, mang theo một cây thánh giá dài 1,5m, bày tỏ sẽ cầu nguyện hết mình cho Giáo hoàng Francis.
Nhiều du khách khác, dù không phải tín hữu Công giáo, cũng chia sẻ rằng họ cảm thấy gần gũi hơn với vị giáo hoàng khi đứng trước Vương cung thánh đường Thánh Phêrô - nơi được xem là "ngôi nhà" của ngài.
Giáo hoàng Francis tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh năm 1936 tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. Ông được bầu làm lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ tháng 3/2013, là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ và Nam bán cầu.
Giáo hoàng Francis nguy kịch bangdatally.xyz - Sức khỏe của Giáo hoàng Francis đã xấu đi trong 24 giờ qua và lần đầu tiên tình trạng của ông được mô tả là "nguy kịch".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!