Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngay sau đó là với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây là những bước đi đầu tiên nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine, vốn đã kéo dài gần 3 năm.
Trong cuộc điện đàm chính thức đầu tiên kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump mô tả cuộc trao đổi với ông Putin kéo dài khoảng 90 phút là "hiệu quả cao". Ông khẳng định nhà lãnh đạo Nga muốn chấm dứt chiến sự tại Ukraine và lệnh ngừng bắn có thể đạt được trong tương lai không xa.
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ cũng đã chỉ định Ngoại trưởng Marco Rubio, Giám đốc CIA John Ratcliffe, Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Về phía Nga, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng đã đến lúc hợp tác. Người phát ngôn Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng ông Putin ủng hộ việc ngăn chặn xung đột sớm nhất có thể và tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài thông qua đàm phán. Ông cũng đề cập đến nhu cầu loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột - điều mà Moscow nhiều lần khẳng định là do NATO mở rộng về phía đông.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin đã mời ông Trump thăm Moscow, đồng thời hai bên đồng ý tiếp tục liên lạc cá nhân và thu xếp một cuộc gặp trực tiếp tại Saudi Arabia trong thời gian tới.
Ukraine mong muốn hòa bình, tiếp tục duy trì liên lạc với Mỹ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. (Ảnh: AP)
Sau cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Trump đã trao đổi với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong khoảng một giờ. Tổng thống Ukraine khẳng định Kiev mong muốn hòa bình hơn ai hết và đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo một nền hòa bình vững chắc và lâu dài. Hai bên nhất trí duy trì liên lạc và lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo.
Phản ứng quốc tế và triển vọng hòa đàm
Sau những động thái ngoại giao quan trọng này, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia đã hoan nghênh nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng dù có tín hiệu tích cực, quá trình đàm phán vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc đạt được một thỏa thuận đảm bảo lợi ích cho cả Nga, Ukraine và phương Tây.
Dư luận đang hướng sự chú ý đến Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào cuối tuần này, nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ thảo luận về an ninh châu Âu và tiến trình hòa đàm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!