Thượng đỉnh đặc biệt EU: Châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng và bài toán tài chính

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 07/03/2025 08:36 GMT+7

bangdatally.xyz - Ngày 6/3, EU đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Brussels, Bỉ, tập trung vào kế hoạch Tái vũ trang châu Âu, tự chủ quốc phòng và hỗ trợ Ukraine.

Châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mang đến Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt dự án huy động tài chính để đảm bảo an ninh của châu lục. Theo bản đề xuất này, Ủy ban châu Âu sẽ nới lỏng các quy định về tài khóa, cho phép các nước thành viên chuyển các khoản chi tiêu quốc phòng vượt thêm ra ngoài khuôn khổ chi ngân sách tài chính quốc gia.

Do đó, các quốc gia sẽ không bị Ủy ban châu Âu phạt nếu chi lạm chi ngân sách vì mục đích đảm bảo quốc phòng an ninh. Theo tính toán của Ủy ban châu Âu, có thể huy động được 650 tỷ Euro trong vòng bốn năm. Ngoài ra, dự án còn đề cập đến một khoản vay bổ sung cho quốc phòng trị giá 150 tỷ Euro.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tuyên bố: "Chúng tôi muốn một nền hòa bình vững mạnh. Đó là lý do hôm nay, tôi sẽ trình bày với các lãnh đạo dự án Tái vũ trang Châu Âu. Dự án này sẽ cung cấp 800 tỷ Euro cho các nước thành viên để đầu tư cho quốc phòng, đồng thời tạo cơ hội đầu tư vào công nghiệp quốc phòng cho Ukraine hoặc mua các thiết bị quân sự trợ giúp cho Ukraine".

Thượng đỉnh đặc biệt EU: Châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng và bài toán tài chính - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh kế hoạch Tái vũ trang châu Âu (Ảnh: AP)

Tại hội nghị lần này, Liên minh châu Âu còn bàn đến một khoản hỗ trợ mới cho Ukraine trị giá 30 tỷ Euro trong năm 2025. Theo lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước khi bước vào phòng họp: "Cần giữ được cái đầu lạnh và thông thái trong hoàn cảnh hiện tại để đạt được nền hòa bình bền vững".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu: "Theo tôi, trước tiên chúng ta cần duy trì đảm bảo tài chính và hỗ trợ quân sự của châu Âu. Thứ hai, chúng ta phải tiếp tục đảm bảo là hỗ trợ của Mỹ vẫn sẽ được tiếp tục trong những tháng tới và trong những năm tiếp theo, bởi đơn giản là Ukraine phụ thuộc vào những hỗ trợ này. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong những ngày tới là đảm bảo các điều kiện để có được nền hòa bình công bằng".

Trái ngược với tình cảnh tuần trước tại Washington, ngày 6/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy được chào đón nồng nhiệt tại Brussels, Bỉ. Ông Zelenksy rất xúc động và gửi lời cảm ơn châu Âu đã đồng hành, giúp đỡ cho Ukraine, làm cho Kiev không cảm thấy bị đơn độc.

Tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu

Một trong những thách thức đặt ra khi châu Âu tự chủ quốc phòng là khả năng đối phó mối đe dọa hạt nhân. Ngay trước cuộc họp, Tổng thống Pháp đã đề xuất việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp để bảo vệ an ninh châu Âu.

Thượng đỉnh đặc biệt EU: Châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng và bài toán tài chính - Ảnh 2.

Thổng thống Pháp Macron đã đề cập đến vấn đề vũ khí hạt nhân với các lãnh đạo châu Âu (Ảnh: AP)

Tối 5/3 (theo giờ địa phương), Thổng thống Pháp Emmanuelle Macron đã có một bài phát biểu trên truyền hình gửi thông điệp đến người dân nước này về chủ đề an ninh quốc phòng của Pháp và châu Âu. Trong bài phát biểu, ông đã đề cập đến đề xuất khả năng đưa ra vấn đề vũ khí hạt nhân để thảo luận với các quốc gia châu Âu.

Hiện tại, trong Liên minh châu Âu, chỉ có Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân. Nếu tính thêm cả cựu thành viên của khối, có kể thêm Anh. Ngày 6/3, tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu, ý tưởng của ông Macron về vũ khí hạt nhân được lãnh đạo các nước đón nhận và phản hồi một cách rất thận trọng nhưng với tinh thần cởi mở.

Các nước Bắc Âu vốn rất kín tiếng về chủ đề này, nhưng Thủ tướng Đan Mạch khi trả lời báo chí cho rằng hiện "mọi việc đều cần đặt lên bàn để thảo luận". Thủ tướng Thụy Điển cũng cho rằng thật may mắn vì có Pháp và Anh đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Kế hoạch triển khai quân đội châu Âu đến Ukraine

Cũng trong nỗ lực bảo vệ biên giới châu Âu, các nước châu Âu đang bàn tới kế hoạch triển khai quan đội đến Ukraine để thực thi một thỏa thuận hòa bình.

Một số nước ở châu Âu đã bàn đến phương án thành lập một liên minh tình nguyện và triển khai quân đến Ukraine để đảm bảo an ninh cho quốc gia này. Ý tưởng trên được Anh và Pháp đưa ra và đã có một số nước tán thành.

Thượng đỉnh đặc biệt EU: Châu Âu tăng cường tự chủ quốc phòng và bài toán tài chính - Ảnh 3.

Lãnh đạo Ukraine Zelensky tại hội nghị (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, rõ ràng là kế hoạch không bàn đến chuyện đưa quân đến sát biên giới Nga. Số quân này mới chỉ được đề xuất hiện diện tại một số thành phố lớn, cảng biển, nhà máy điện nguyên tử và một số cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine. Về số lượng quân, con số được nhắc đến là khoảng vài chục nghìn người - thấp hơn nhiều so với số lượng binh lính của Moscow và Kiev được cho đang đóng trên đất Ukraine vào thời điểm hiện tại - khoảng 250 lữ đoàn (theo định nghĩa của NATO, mỗi lữ đoàn có 5.000 lính).

Trong sáng 6/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu sẽ trình bày nội dung cuộc họp với các đồng minh là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Ireland. Ngày 7/3, cuộc họp sẽ bàn về việc mở rộng liên minh các nước tình nguyện hỗ trợ đảm bảo an ninh cho Ukraine, khi nước này ký kết được một thỏa thuận hòa bình.

Có thể thấy, qua loạt hội nghị thượng định gần đây, châu Âu đang đẩy nhanh việc tự chủ quốc phòng, bớt phụ thuộc vào Mỹ. Tuy nhiên, bài toán để tự chủ khó nhất là bài toán tài chính, bởi từ trước đến nay châu Âu vẫn phụ thuộc vào đóng góp quốc phòng của Mỹ trong NATO. Năm 2024, Mỹ đã đóng góp 860 tỷ USD - tương đương gần 70% ngân sách quốc phòng cho NATO với 32 thành viên. Trong khi đó, tổng chi tiêu quốc phòng của 30 nước châu Âu trong NATO chỉ khoảng 380 tỷ USD.

Tổng thống Pháp cho rằng các nước châu Âu cần chi trung bình từ 3% - 3,5% GDP cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, để thực hiện điều này là điều không dễ.

EU họp thượng đỉnh đặc biệt về tái vũ trang châu Âu và vấn đề Ukraine EU họp thượng đỉnh đặc biệt về tái vũ trang châu Âu và vấn đề Ukraine Châu Âu chi hơn 840 tỷ USD đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng Châu Âu chi hơn 840 tỷ USD đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự, châu Âu đưa ra quan điểm bước ngoặt trong dài hạn Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự, châu Âu đưa ra quan điểm bước ngoặt trong dài hạn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước