Thủ tướng tương lai của Đức và sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm

Đàm Linh-Thứ ba, ngày 25/02/2025 14:48 GMT+7

Ông Friedrich Merz (Ảnh: AP)

bangdatally.xyz - Sau khi Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo giành chiến thắng trong bầu cử, Chủ tịch đảng - ông Friedrich Merz, gần như nắm chắc khả năng trở thành người đứng đầu chính phủ Đức.

Ông Friedrich Merz, chủ tịch của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ (CDU), gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của nước Đức dựa trên kết quả bầu cử sơ bộ. Từ việc thách thức cựu Thủ tướng Angela Merkel, đến việc nghỉ hưu để tham gia vào thế giới kinh doanh, rồi gây tranh cãi khi liên kết với phe cực hữu, chiến thắng của ông Friedrich Merz được kỳ vọng sẽ đem lại một làn gió mới cho nước Đức trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã trải qua hai năm suy thoái.

Người đàn ông 69 tuổi này sẽ là thủ tướng lớn tuổi nhất kể từ ông Konrad Adenauer, người đứng đầu chính phủ đầu tiên của Cộng hòa Liên bang Đức mới, nhậm chức vào năm 1949 ở tuổi 73.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào cuối tuần qua khép lại với sự trở lại đáng chú ý của ông Merz, người chỉ mới gia nhập Quốc hội vào năm 2021, sau 12 năm gián đoạn chính trường.

Khối trung hữu (CDU/CSU) của tân Thủ tướng Đức từ lâu đã dẫn đầu một cách thoải mái, chiếm khoảng 30% trong các cuộc thăm dò ý kiến, và ông Merz đã được công nhận là đối thủ chính của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD).

Thủ tướng tương lai của Đức và sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm - Ảnh 1.

Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức Friedrich Merz bỏ phiếu tổng tuyển cử trước thời hạn tại Arnsberg, ngày 23/2/2025. (Ảnh: TTXVN)

Rời khỏi chính trường và dấn thân vào kinh doanh

Khi bà Angela Merkel lên nắm quyền lãnh đạo nhóm nghị sĩ CDU vào năm 2002, rồi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức vào ngày 22/11/ 2005, ông Merz - người có tư tưởng bảo thủ hơn nhiều, đã quyết định rút lui và tránh xa chính trường trong nhiều năm.

So với nữ thủ tướng quyền lực, người được đánh giá là một chiến thuật gia điềm tĩnh và tính toán, ông Merz lại là một bản thể khác biệt, liều lĩnh và sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị.

Ông đã tô đậm cá tính của mình tại hội nghị đảng cuối cùng vào cuối tháng 1 trước cuộc bầu cử năm nay, gây ra một cơn bão chính trị khi cố gắng thông qua một dự luật nhập cư cứng rắn, với sự giúp đỡ của đảng cực hữu AfD.

Động thái này đã gây ra làn sóng chấn động trên khắp cả nước, với những người biểu tình lên án sự hợp tác này là hành vi vi phạm chưa từng có đối với điều cấm kỵ sau chiến tranh là hợp tác với phe cực hữu.

Tuy nhiên, ông Merz dường như coi động thái của mình là một "canh bạc" nhằm hạn chế sự thành công của đảng cực hữu chống nhập cư AfD.

Thủ tướng tương lai của Đức và sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm - Ảnh 2.

Ông Merz được xem là là đối thủ của bà Angela Merkel vào đầu những năm 2000. (Ảnh: DPA)

Ông Merz được xem là là đối thủ của bà Merkel vào đầu những năm 2000. Năm 2001, ông tự ứng cử làm ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2002. Nhưng vào thời điểm đó, CDU đã chọn chính trị gia CSU người Bavaria - Edmund Stoiber, người đã chạy đua với Thủ tướng Dân chủ Xã hội Gerhard Schröder. Thua cuộc, ông Merz dần rời xa đấu trường chính trị và quay lại với công việc luật sư của mình. Năm 2009, ông không còn tranh cử vào Quốc hội nữa.

Ông Merz đến từ Sauerland, một vùng núi thấp ở phía tây nước Đức, là người Công giáo và hành nghề luật sư, giống như cha mình trước đây. Cho đến hôm nay, ông vẫn sống không xa nơi mình sinh ra. Năm 1989, ở tuổi 33, ông trở thành thành viên của Nghị viện châu Âu cho CDU. 5 năm sau, ông gia nhập Bundestag (Quốc hội) và nhanh chóng nổi tiếng với tư cách một diễn giả sắc sảo. Những lời nói của ông trong nhóm nghị viện luôn có sức nặng nhất định.

Việc ông Merz rời khỏi chính trường được tiếp nối bằng sự thăng tiến trong khu vực tư nhân. Từ năm 2005 - 2021, ông là thành viên của một công ty luật quốc tế và đảm nhiệm các vị trí hàng đầu trong ban giám sát và hành chính. Từ năm 2016 - 2020, ông là chủ tịch ban giám sát của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới tại Đức.

Nhưng khi cựu Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố chấm dứt sự nghiệp chính trị vào năm 2021, ông Merz đã quay trở lại và một lần nữa, dần thăng tiến trên chính trường. CDU đã bầu ông Merz làm lãnh đạo đảng vào năm 2022, làm nổi bật vai trò đại diện kinh tế tự do của phe bảo thủ CDU của ông khi ấy.

Những tuyên bố gây tranh cãi

Ông Merz đã bỏ phiếu chống lại việc nới lỏng luật phá thai, chống lại chẩn đoán di truyền trước khi ghép tạng vào những năm 1990, và chống lại việc hình sự hóa hiếp dâm trong hôn nhân vào năm 1997.

Ông Merz luôn ủng hộ năng lượng hạt nhân và thúc đẩy chính sách kinh tế tự do, giảm bớt bộ máy quan liêu. Gần 25 năm trước, ông đã than thở về những tác động của chính sách di cư của Đức, nhấn mạnh rằng chỉ nên có một "nền văn hóa chỉ đạo thống trị" ở quốc gia này.

Thủ tướng tương lai của Đức và sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm - Ảnh 3.

Ông Merz từng có nhiều tuyên bố gây tranh cãi. (Ảnh: DPA)

Và bây giờ, khi bước lên đỉnh cao chính trị, ông Merz lại nêu ra những số vấn đề này, nhưng trong bối cảnh tình hình chính trị và xã hội của Đức đã có nhiều thay đổi. Trong chương trình Markus Lanz phát sóng vào tháng 1/2023, ông Merz đã phàn nàn về tình trạng thiếu hội nhập ở Đức, lập luận rằng có "những người thực sự không có việc gì làm ở Đức, những người mà chúng ta đã dung túng trong một thời gian dài, những người mà chúng ta không trục xuất, và sau đó chúng ta lại ngạc nhiên khi có những hành vi thái quá như vậy".

Những tuyên bố này đã gây ra nhiều tranh cãi vào thời điểm đó vì hàm ý phân biệt chủng tộc của nó. Tuy nhiên, lại không có nhiều lời chỉ trích đến từ cấp cao nhất của CDU. Nhưng kể từ mùa hè năm ngoái, ông Merz dường như thấy mình phải sửa chữa và bảo vệ một số tuyên bố của chính mình.

Tìm ra hướng đi mới cho nước Đức

Tại Berlin, ông Merz tuyên bố rằng nhóm nghị sĩ CDU đã tìm ra một hướng đi mới trong các lĩnh vực then chốt. Ông lập luận rằng ông "cũng đã khởi xướng, thúc đẩy và hoàn thành quá trình này trong CDU với chương trình cơ bản mới", và điều này "đưa chúng ta trở lại đúng hướng".

Ông Merz hiện đại diện cho một CDU đã trở nên bảo thủ hơn nhiều so với trước kia, mặc dù lập trường của chính ông không thay đổi nhiều trong 20 năm qua.

Vào tháng 11/2024, sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh của Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh, đã được ông Merz  mô tả là "dấu mốc lịch sử".

"Liên minh đèn giao thông sụp đổ vì thiếu một cơ sở chung cho một liên minh chính phủ ngay từ đầu", ông Merz thẳng thắn phát biểu vào thời điểm đó.

Thủ tướng tương lai của Đức và sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm - Ảnh 4.

Nhập cư là mối quan tâm chính của cử tri trong cuộc bầu cử quốc hội Đức. (Ảnh: AA)

Phe cánh tả đã kết thúc?

Một câu hỏi lớn đặt ra sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm nay: ông Merz và nhóm bảo thủ CDU/CSU sẽ chuyển sang nhóm chính trị nào cho chính phủ liên minh của mình?

Ông Merz đã nhiều lần loại trừ liên minh với đảng cực hữu AfD kể từ đầu tháng 1. Nhưng vào ngày 22/2, chỉ vài giờ trước cuộc bầu cử, ông Merz bất ngờ tăng gấp đôi chỉ trích các đảng phái chính trị lớn khác của Đức. Tại Munich, để kết thúc chiến dịch tranh cử, trong bài phát biểu cuối cùng đầy kịch liệt, ông Merz lập luận rằng: "Phe cánh tả đã kết thúc. Không còn phe cánh tả chiếm đa số và không còn chính trị cánh tả ở Đức nữa".

Ông cũng chỉ trích các cuộc biểu tình cùng ngày chống lại chủ nghĩa cực hữu cực đoan và nói rằng nếu ông thắng cử, ông sẽ đấu tranh quyền lợi cho đa số người Đức -"những người suy nghĩ thẳng thắn chứ không phải cho bất kỳ kẻ điên rồ cánh tả hay cánh xanh nào trên thế giới này".

Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDC) đã giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội Đức nhưng chưa đủ điều kiện để tự thành lập chính phủ, trong khi đảng cực hữu AfD vươn lên vị trí thứ hai. Sau hơn ba năm ở vị thế đối lập, CDU từng do bà Angela Merkel lãnh đạo, đã trở lại vị trí dẫn đầu. Chủ tịch đảng, ông Friedrich Merz, có thể sẽ trở thành Thủ tướng Đức nếu các cuộc đàm phán liên minh thành công.

Một điểm đáng chú ý trong kết quả bầu cử lần này là sự gia tăng mạnh mẽ của đảng cực hữu AfD, lực lượng chính trị có quan điểm chống nhập cư. Với hơn 20% số phiếu bầu, tăng gấp đôi so với kỳ bầu cử trước, AfD đã từ vị trí thứ 5 vươn lên trở thành đảng lớn thứ 2 tại Đức. Điều này phản ánh sự lo ngại của một bộ phận cử tri về tác động của làn sóng nhập cư đối với xã hội Đức.

Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ ba, trong khi đảng Xanh đứng ở vị trí thứ tư. Với kết quả này, các đảng sẽ cần phải tiến hành đàm phán để thành lập một liên minh có thể bao gồm ba hoặc thậm chí bốn đảng nhằm đạt đủ số ghế quá bán trong Quốc hội - điều kiện cần thiết để lập chính phủ mới.

Khó khăn đàm phán thành lập chính phủ mới ở Đức Khó khăn đàm phán thành lập chính phủ mới ở Đức Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo về đầu trong bầu cử tại Đức Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo về đầu trong bầu cử tại Đức Nhập cư - đề tài chính trong bầu cử Quốc hội Đức Nhập cư - đề tài chính trong bầu cử Quốc hội Đức

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước