Tổng thống Hungary Tamas Sulyok (phải) và Thủ tướng Israel Netanyahu ở Budapest, Hungary, ngày 3/4 (Ảnh: AP)
Hungary - một thành viên sáng lập của ICC - về mặt lý thuyết có nghĩa vụ bắt giữ và giao nộp bất kỳ người nào có lệnh của tòa án này. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói rõ rằng họ sẽ không tôn trọng phán quyết này.
Đây chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Netanyahu kể từ khi ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel và cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant vào tháng 11/2024. Trước đó, Thủ tướng Israel đã đến Washington (Mỹ) vào tháng 2 để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Israel và Mỹ không phải là thành viên của ICC.
ICC - tòa án có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) - đã chỉ trích quyết định của Hungary về việc bất chấp lệnh bắt giữ của tòa đối với Thủ tướng Netanyahu. Người phát ngôn của tòa án - ông Fadi El Abdallah - cho biết các bên tham gia ICC không được đơn phương xác định tính hợp lý của các quyết định pháp lý từ tòa án.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 19/2/2019 (Ảnh: AP)
Ông El Abdallah cho biết các quốc gia tham gia có nghĩa vụ thực thi các quyết định của tòa án và có thể tham vấn tòa án nếu họ không đồng ý với các phán quyết của tòa.
"Bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến chức năng tư pháp của tòa án đều phải được giải quyết bằng quyết định của tòa án", ông El Abdallah nói.
ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel sau khi đánh giá rằng có căn cứ hợp lý về việc ông Netanyahu và ông Gallant "cố ý và cố tình tước đoạt của dân thường ở Gaza những vật dụng thiết yếu cho sự sống còn của họ, bao gồm thực phẩm, nước, thuốc men và vật tư y tế, cũng như nhiên liệu và điện".
Israel đã bác bỏ, cho rằng mọi cáo buộc có động cơ chính trị và được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Do Thái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!