Thông tin này được Cơ quan Biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus - C3S) của Liên minh châu Âu công bố, khiến giới khoa học không khỏi lo ngại trước những diễn biến phức tạp và khó lường của khí hậu Trái đất.
Theo C3S, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 1 vừa qua đã cao hơn 1,75°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là một mức tăng đáng lo ngại, cho thấy Trái đất đang nóng lên với tốc độ nhanh chóng, chủ yếu vì lượng khí thải nhà kính do con người gây ra.
Điều đáng nói là kỷ lục này được thiết lập trong bối cảnh hiện tượng thời tiết La Nina - vốn được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu ứng làm mát - đang diễn ra. Tuy nhiên, thay vì hạ nhiệt, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao, phá vỡ mọi dự đoán trước đó.
Nhà khoa học khí hậu Julien Nicolas tại C3S cho biết: "Đây là điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất. Chúng tôi đã không thấy hiệu ứng làm mát, hay ít nhất là sự 'hãm phanh' tạm thời đối với nhiệt độ toàn cầu như dự kiến".
Hiện tượng La Nina trong năm nay được dự báo là yếu và nhiệt độ tại một số khu vực của Thái Bình Dương xích đạo cho thấy "quá trình chuyển động hướng tới" hiện tượng làm mát đang chững lại. Thậm chí, ông Nicolas còn dự đoán La Nina có thể biến mất hoàn toàn vào tháng 3.
Tháng trước, C3S cũng cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2024 tăng thêm 1,6°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt ngưỡng 1,5°C lần đầu tiên. Đây là mức tăng thêm 0,1°C so với năm 2023, vốn cũng đã là năm nóng nhất lịch sử.
Dù Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015 đặt mục tiêu khống chế mức tăng không quá 1,5°C trong nhiều thập kỷ, việc vượt ngưỡng trong một năm qua cho thấy tình trạng khẩn cấp về diễn biến khí hậu cực đoan ngày càng nghiêm trọng.
Năm 2025 được các nhà khoa học dự đoán sẽ là năm nóng thứ ba được ghi nhận từ trước đến nay. C3S cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ nhiệt độ đại dương trong suốt năm 2025 để tìm hiểu về cách thức hoạt động của khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!