Myanmar đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. (Ảnh: AFP)
Hôm nay (1/4), trong bài phát biểu trên truyền hình, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết số người chết đã lên tới 2.719 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 3.000. Bên cạnh đó là khoảng 4.521 người bị thương và 441 người mất tích, nhưng con số thực tế được cho là có thể cao hơn nhiều.
Ngày hôm qua, chính quyền quân sự Myanmar cầm quyền, đưa tin số người chết là khoảng 2.028.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết tại khu vực Mandalay, miền trung Myanmar, các lực lượng cứu hộ ghi nhận 50 trẻ em và hai giáo viên đã thiệt mạng khi trường mẫu giáo của họ bị sập.
Hy vọng tìm được những người còn sống trong đống đổ nát ở Mandalay đã trở nên mong manh, khi thời hạn "72 giờ vàng" đã hết. Hiện mùi tử thi đang phân hủy tràn ngập khắp những con đường ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Mùi tử thi đang phân hủy tràn ngập khắp những con đường ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. (Ảnh: AFP)
Các nỗ lực cứu hộ vẫn đang tiếp tục được triển khai ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar với hơn 1,7 triệu dân, trong điều kiện rất khó khăn, khi nhiệt độ dự kiến lên tới khoảng 40 độ C. Nhiệt độ cao làm kiệt sức lực các nhân viên cứu hộ và đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể, có thể làm phức tạp thêm công tác nhận dạng. Ngoài ra, Mandalay đã không có điện kể từ khi trận động đất xảy ra, cản trở thêm thông tin liên lạc và nỗ lực phối hợp cứu trợ.
Ngày 30/3, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế phát động lời kêu gọi khẩn cấp để quyên góp hơn 100 triệu USD giúp đỡ các nạn nhân.
Mạng lưới nhân đạo lớn nhất thế giới cho biết, tính cấp thiết đang tăng lên từng giờ khi nhiệt độ tăng cao và gió mùa đến gần, làm tăng nguy cơ xảy ra "khủng hoảng thứ cấp".
Quốc gia Đông Nam Á với 50 triệu dân vốn đã chìm trong khủng hoảng trước khi động đất xảy ra, sau 4 năm nội chiến kể từ cuộc đảo chính năm 2021.
Đường phố Mandalay như "ngày tận thế" khi nhiều tòa nhà đổ sập hoặc hư hại. (Ảnh: AFP)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 30/3 đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại nước này trong 30 ngày tới.
Trong một báo cáo, cơ quan Liên hợp quốc cho biết, tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các cộng đồng đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, như: tiếp cận nước sạch và vệ sinh, trong khi các đội cứu hộ làm việc không biết mệt mỏi để tìm kiếm những người sống sót và cung cấp viện trợ cứu sinh.
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế cho biết nơi trú ẩn, thực phẩm, nước và hỗ trợ y tế đều đang rất thiếu ở những nơi như Mandalay, gần tâm chấn của trận động đất. Sau khi trải qua nỗi kinh hoàng của trận động đất, mọi người hiện sợ các cơn dư chấn và ngủ ngoài đường hoặc trên các cánh đồng trống.
Phần lớn người dân ở Mandalay rơi vào cảnh màn trời chiều đất. (Ảnh: AFP)
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter, xảy ra vào trưa 28/3, là trận động đất mạnh nhất tấn công quốc gia Đông Nam Á này trong hơn một thế kỷ, làm đổ sập các ngôi chùa cổ và các tòa nhà hiện đại.
Tại nước láng giềng Thái Lan, lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm sự sống trong đống đổ nát của một tòa nhà chọc trời bị sập ở thủ đô Bangkok, nhưng thừa nhận rằng thời gian không còn nhiều nữa.
Các nhóm cứu hộ ước tính có khoảng 70 thi thể còn nằm dưới tòa nhà bị sập, nhưng họ vẫn hy vọng có thể tìm thấy một vài người sống sót. Hiện tại, số người thiệt mạng do động đất tại Thái Lan đã lên tới 20 người, trong đó 13 trường hợp liên quan trực tiếp đến vụ sập tòa nhà này.
Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) ngày 29/3 cảnh báo nạn đói đã đạt đến mức báo động ở Myanmar và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn sau thảm họa động đất. Con số đáng lo ngại là 15 triệu người dự kiến sẽ phải đối mặt với nạn đói vào năm 2025, tăng từ 13,3 triệu người vào năm ngoái.
"Không chỉ là thảm họa, đây còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp, chồng chéo lên những tổn thương hiện hữu. Quy mô thảm họa này rất lớn, nhu cầu hỗ trợ rất cấp bách", Alexander Matheou, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC), cho biết.
Cuộc sống thiếu thốn tại các trại cứu hộ tạm thời. (Ảnh: AFP)
Theo các nhóm cứu trợ, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước sạch và nơi trú ẩn. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết, người dân tại các khu vực bị tàn phá gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, trong khi các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót và cung cấp viện trợ.
Trước mức độ nghiêm trọng của thảm họa, các tổ chức quốc tế đang đẩy mạnh công tác cứu trợ. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã cử một nhóm chuyên gia về thảm họa đến Myanmar để đánh giá tình hình và xác định các nhu cầu cấp thiết nhất.
Người dân Myanmar đang thiếu lương thực, điện, nước, chăm sóc y tế... (Ảnh: AFP)
Các đoàn công tác cứu hộ và lực lượng y tế đã đến Myanmar trong nỗ lực chung tay chạy đua cứu người.
Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi hàng cứu trợ và đội cứu trợ, cùng với viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore, Việt Nam, Nga... Trong đó, Trung Quốc đã gửi lô hàng cứu trợ đầu tiên trị giá 100 triệu nhân dân tệ (hơn 352 tỉ đồng) tới Myanmar sau trận động đất, theo Tân Hoa xã.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc giải cứu thành công một phụ nữ mang thai bị mắc kẹt gần 60 giờ dưới đống đổ nát ở Mandalay sáng 31/3. Tối cùng ngày, tại một khu chung cư bị sập cũng ở Mandalay, cảnh tượng tuyệt vọng đã diễn ra khi đội cứu hộ tưởng chừng như đã cứu được một phụ nữ mang thai mắc kẹt dưới đống đổ nát suốt hơn 55 giờ. Họ phải cắt cụt chân của người phụ nữ để cứu cô, nhưng khi kéo nạn nhân ra, cô đã không qua khỏi. (Ảnh: AP)
Đoàn cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam nỗ lực tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ dự đoán trong kịch bản tồi tệ nhất, trận động đất có thể khiến 100.000 người Myanmar thiệt mạng và gây tổn thất kinh tế vượt cả GDP nước này.
Hôm nay (1/4), Myanmar đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân. (Ảnh: AFP)
Ngày hôm nay, Myanmar đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân. Tiếng còi báo động vang lên vào lúc 12h51 (giờ địa phương), thời điểm trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra hôm 28/3 tại Mandalay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!