Báo Korea Times ngày 19/3 đưa tin, một báo cáo gửi đến Trung tâm quản lý tình huống khẩn cấp 119 lúc 12h42 sáng ngày 10/3 cho biết một phụ nữ ngoài 20 tuổi, đang mang thai 34 tuần, đã chuyển dạ ở Quận Danwon, Ansan.
Theo Liên đoàn Cứu hỏa Khẩn cấp Hàn Quốc, đội ứng cứu đã nhanh chóng đánh giá tình trạng của thai phụ là nguy kịch và ngay lập tức liên hệ với các khoa sản phụ khoa tại các bệnh viện ở Seoul, Gyeonggi và Nam Chungcheong. Tuy nhiên, họ đã nhiều lần được thông báo rằng không có phương pháp điều trị nào có thể đáp ứng. Các bệnh viện được cho là đã nêu ra những lý do như: "không có dịch vụ chăm sóc sản khoa vào ban đêm" hay "không có nhân viên nào có thể xử lý ca bệnh"....
Đội ứng cứu khẩn cấp đã tuyệt vọng gọi đến hơn 40 bệnh viện trong suốt 1 giờ đồng hồ. Vào lúc 1h48 sáng, trung tâm điều khiển 119 mới thông báo có một giường bệnh tại Trung tâm Y tế Seoul ở Quận Jungnang, Seoul có thể đáp ứng. Xe cứu thương ngay lập tức đến đó, nhưng tình trạng của người phụ nữ xấu đi khi cô ấy phải chịu những cơn đau chuyển dạ dữ dội. Kết quả là, đội ngũ y tế trên xe buộc phải thực hiện ca sinh khẩn cấp. Người phụ nữ đã sinh một bé trai lúc 2h11 sáng, khoảng 1 tiếng rưỡi sau cuộc gọi ban đầu.
Xe cấp cứu đậu ngoài sảnh trung tâm y tế Hanyang ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: Hankook Ilbo)
Cả người mẹ và trẻ sơ sinh đều được đưa vào Trung tâm Y tế Seoul lúc 2h36 sáng để được chăm sóc, theo dõi. Các báo cáo cho biết cả hai đều trong tình trạng ổn định.
"Trong khi tìm kiếm một bệnh viện để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, tình trạng của cô ấy trở nên tồi tệ hơn, khiến đội ngũ cấp cứu phải tiến hành một ca sinh khẩn cấp", Kim Gil-jung, người đứng đầu Liên đoàn Cứu hỏa Khẩn cấp Hàn Quốc cho biết.
Một số nguồn tin cho hay, sản phụ trên là một người phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên đây là thông tin chưa được kiểm chứng.
Người dân Hàn Quốc khó tiếp cận dịch vụ cấp cứu
Các cuộc đình công của hàng ngàn bác sĩ thực tập vào tháng 2 năm ngoái đã đẩy chính phủ Hàn Quốc rơi vào bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.
Báo cáo của Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc cho thấy trong bối cảnh đình công của các bác sĩ kéo dài, năm 2024, số trường hợp phải di chuyển mất hơn 1 giờ đồng hồ bằng xe cứu thương mới tới được bệnh viện đã tăng 22% so với năm 2023.
Báo cáo chỉ ra rằng số trường hợp như vậy trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8 đã tăng lên 13.940 trong năm 2024, so với 11.426 trường hợp trong cùng kỳ năm 2023.
Tại thủ đô Seoul, con số này là 1.166 trường hợp, tăng so với 636 trường hợp của năm 2023, trong khi thành phố Daejeon ở miền Trung cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể, từ 164 trường hợp của năm 2023 lên 467 trường hợp của năm 2024.
Thông báo Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) tạm dừng tất cả các ca phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân ngoại trú vào ngày 30/4/2024. (Ảnh: Yonhap)
Hồi tháng 7/2024, vụ việc một bé gái 33 tháng tuổi bị rơi xuống mương và tử vong sau khi bị 9 bệnh viện từ chối cấp cứu đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cấp cứu nhi khoa tại một số địa phương ở Hàn Quốc. Giới chức Hàn Quốc đã tiến hành điều tra vụ việc nhưng thực tế cho thấy các bệnh viện từ chối nhận trường hợp của bé đều đang trong tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa nhi và đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Làn sóng đình công đã khiến các bệnh viện lớn tại Hàn Quốc phải cắt giảm số ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác. Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết giữa chính phủ và giới y khoa Hàn Quốc kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch cải cách y tế của xứ kim chi. Hàng nghìn bác sĩ nội trú và thực tập sinh Hàn Quốc vào tháng 2/2024 đã bỏ việc nhằm phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!