Cuộc họp diễn ra sau khi chính quyền Thái Lan quyết định cắt nguồn cung cấp điện cho Myanmar nhằm triệt phá các băng nhóm lừa đảo hoạt động tại khu vực biên giới. Hai bên đã thảo luận về việc hợp lý hóa quy trình hồi hương cho công dân nước ngoài và người Thái Lan bị buôn bán.
Theo thỏa thuận, Myanmar sẽ lập danh sách chi tiết những cá nhân muốn hồi hương, bao gồm thông tin về quốc tịch, giới tính, hình ảnh và tình trạng giấy tờ đi lại. Những dữ liệu này sẽ được gửi đến phía Thái Lan từ ba đến năm ngày trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động hồi hương nào.
Hai nước cũng thống nhất ưu tiên hồi hương công dân của những quốc gia đã sẵn sàng tiếp nhận họ, trong khi những trường hợp chưa có phương án tiếp nhận sẽ được xử lý sau. Cầu Hữu nghị Thái Lan - Myanmar thứ hai sẽ được sử dụng làm điểm tiếp nhận chính, với khả năng tiếp nhận khoảng 500 người mỗi ngày.
Hơn 250 người từ 20 quốc gia được cho là đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar khi họ vượt biên vào tỉnh Tak của Thái Lan, ngày 12/2/2025. (Ảnh: AP)
Trước đó, Thái Lan đã tiếp nhận 261 nạn nhân từ các băng nhóm lừa đảo tổng đài được giải cứu tại hai thị trấn biên giới của Myanmar. Tuy nhiên, giới chức Thái Lan khẳng định sẽ không thành lập nơi cư trú hoặc trung tâm tị nạn cho các nạn nhân buôn người.
Ngoài ra, Thái Lan chỉ tiếp nhận nạn nhân nước ngoài nếu có đảm bảo từ Đại sứ quán của các nước rằng họ sẽ được hồi hương. Đây là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người và xử lý hiệu quả các trường hợp bị lừa đảo, cưỡng ép lao động tại khu vực biên giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!