Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (KRC) của Thái Lan đã đánh giá thiệt hại kinh tế do tình trạng ô nhiễm không khí với mật độ bụi mịn PM2.5 vượt quá mức trung bình 100 µg/m³ trong và xung quanh thủ đô Bangkok trong khoảng thời gian một tháng. Ước tính mức thiệt hại này có thể lên tới 3 tỷ Baht (tương đương 89,4 triệu USD).
Mật độ bụi mịn PM2.5 PM2.5 quá mức trong khí quyển dẫn đến gia tăng chi phí cho điều trị y tế và chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, chẳng hạn như khẩu trang và máy lọc không khí. Mặc dù chi phí như vậy có lợi cho doanh nghiệp nhưng có thể gây mất cơ hội cho người tiêu dùng, vì lẽ ra họ có thể sử dụng số tiền đó cho các mục đích khác.
Ước tính thiệt hại kinh tế dựa trên giả định rằng khoảng 2,4 triệu người ở Bangkok đang bị dị ứng và mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó khoảng một nửa trong số họ cần đi khám bác sĩ ít nhất một lần trong mỗi tháng. Điều này gây ra chi phí y tế và đi lại trung bình 1.800 - 2.000 Baht cho mỗi người.
Theo giới chức Thái Lan, nếu bao gồm cả các hoạt động kinh tế khác, chẳng hạn như việc học tập bị gián đoạn, ảnh hưởng đến du lịch và làm việc tại nhà, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí có thể còn cao hơn nữa.
Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hôm 24/1 đã chạm mức 108 µg/m³ không khí - theo công ty theo dõi chất lượng không khí IQAir có trụ sở tại Thụy Sĩ. Con số này vượt xa ngưỡng khuyến cáo không quá 15 µg/m³ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khiến Bangkok đứng thứ 7 trong danh sách các thành phố lớn có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA) đã đóng cửa 352 trong tổng số 437 trường học tại 31 quận của thủ đô, đánh dấu đợt đóng cửa trường học lớn nhất kể từ năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!