Thái Lan và Campuchia có chung đường biên giới dài 817 km. (Ảnh: Facebook)
Chính phủ Thái Lan ngày 2/3 cho biết nước này đang nghiên cứu ý tưởng xây dựng một bức tường trên một phần biên giới với Campuchia để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép, trong bối cảnh thực hiện nỗ lực đa quốc gia nhằm phá bỏ mạng lưới các trung tâm lừa đảo bất hợp pháp đang gia tăng.
Các cuộc truy quét đang mở rộng đối với các trung tâm lừa đảo thực hiện các vụ gian lận tài chính lớn ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở biên giới Thái Lan giáp với Myanmar và Campuchia, nơi hàng trăm nghìn người đã bị các băng nhóm tội phạm buôn bán trong những năm gần đây.
Vào cuối tuần qua, cảnh sát Thái Lan đã tiếp nhận 119 công dân nước này từ chính quyền Campuchia, sau một cuộc đột kích ở thị trấn Poipet giải thoát hơn 215 người ra khỏi một khu phức hợp lừa đảo.
"Nếu thực hiện, sẽ thực hiện như thế nào? Kết quả ra sao và sẽ giải quyết vấn đề như thế nào? Đây là một nghiên cứu", người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Jirayu Houngsub cho biết về đề xuất xây dựng bức tường, nhưng không nêu rõ chi tiết của bản đề xuất.
Một địa điểm tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia. (Ảnh: AFP)
Một phát ngôn viên của chính phủ Campuchia đã từ chối bình luận về đề xuất này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Campuchia đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Thái Lan và Campuchia có chung đường biên giới dài 817 km. Bộ Quốc phòng Thái Lan trước đây đã đề xuất xây một bức tường để chặn một cửa khẩu tự nhiên dài 55 km giữa tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan và Poipet, hiện chỉ được bảo vệ bằng hàng rào thép gai.
Các trung tâm lừa đảo viễn thông đã hoạt động trong nhiều năm ở Đông Nam Á, dụ dỗ người dân ở nhiều quốc gia xa xôi, bao gồm cả Tây Phi. Tuy nhiên, các vụ lừa đảo thực sự trở thành tâm điểm của dư luận sau vụ bắt cóc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh hồi tháng 1, người đã bị dụ đến Thái Lan với lời hứa về một công việc hậu hĩnh rồi bị đưa đến một trung tâm lừa đảo ở Myanmar.
Các nạn nhân được giải thoát khỏi một trung tâm lừa đảo ở Myanmar.
Tại thành phố Myawaddy của Myanmar, hơn 7.000 người nước ngoài - chủ yếu là từ Trung Quốc - đang chờ để vượt biên vào Thái Lan, quốc gia đang phối hợp với các đại sứ quán để cố gắng hợp lý hóa việc hồi hương của họ.
Hàng trăm người nước ngoài được đưa ra khỏi các khu nhà trong điều kiện tồi tệ tại một trại dân quân ở Myanmar, đang phải vật lộn để tìm đường về nhà. Trong khi đó, một nhà lập pháp hàng đầu của Thái Lan tuần trước cho biết những chiến dịch triệt phá vẫn chưa đủ, khi ước tính có 300.000 người đang hoạt động trong các trung tâm lừa đảo ở riêng thành phố Myawaddy.
Một khu nhà nhốt các nạn nhân lừa đảo tại biên giới Thái Lan - Myanmar.
Những ký ức kinh hoàng theo lời kể của các nạn nhân được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo - đã trở thành tâm điểm dư luận tại Thái Lan trong những ngày qua. Khi đến các trung tâm lừa đảo, nạn nhân sẽ bị tước hộ chiếu và giam giữ trong các khu phức hợp được canh gác nghiêm ngặt. Họ phải trải qua quá trình đào tạo chuyên sâu để thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến và phải đáp ứng chỉ tiêu hàng ngày cho các nhiệm vụ bao gồm: tạo hồ sơ giả và nghiên cứu mục tiêu lừa đảo để đạt hiệu quả tối đa.
Các nạn nhân phải làm việc tới 14 giờ mỗi ngày và liên tục bị giám sát để đảm bảo họ không thể trốn thoát hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Không đáp ứng chỉ tiêu, họ sẽ bị bỏ đói, bạo hành và tra tấn... Những nỗ lực trốn thoát sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, và một số nạn nhân thậm chí còn bị giết chết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!