Kế hoạch giảm giờ làm việc trong tuần tại Tây Ban Nha đã được hiện thực hóa sau khi đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa cầm quyền (PSOE) và đảng Sumar cánh tả - cả hai đều là thành viên của chính phủ liên minh - hồi tháng 1 nhất trí thúc đẩy kế hoạch mang tính lịch sử mang lại lợi ích cho khoảng 13 triệu công nhân. Hai đảng cam kết giảm số giờ làm việc trong mỗi tuần từ 40 giờ - được áp dụng từ năm 1983 - xuống 38,5 giờ vào năm 2024 và xuống 37,5 giờ trong năm 2025.
Việc giảm giờ làm việc mà không cắt giảm lương là một cam kết quan trọng trong chiến dịch của đảng Sumar và nhà lãnh đạo của đảng này - Bộ trưởng Bộ Lao động Yolanda Diaz.
Tháng 7/2024, Bộ phận nghiên cứu của Liên đoàn các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tây Ban Nha (Cepyme) từng cảnh báo các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc giảm giờ làm, với mức thiệt hại khoảng 44 tỷ USD. Cepyme cho rằng bất kỳ thay đổi nào về điều kiện làm việc cũng nên đi kèm với biện pháp cải tiến năng suất lao động trong bối cảnh năng suất của các công ty Tây Ban Nha đang có xu hướng giảm. Đáng chú ý, năng suất của các công ty Tây Ban Nha trong quý đầu tiên của năm 2024 đã giảm 3,3% so với năm trước đó và vẫn thấp hơn 2% so với mức của năm 2015.
Trong năm 2025, người lao động tại Tây Ban Nha dự kiến sẽ chính thức có quyền từ chối nhận email, cuộc gọi công việc ngoài giờ làm mà không phải lo ngại bị trừng phạt hay ảnh hưởng đến công việc. Luật mới nhằm chấm dứt tình trạng nhân viên bị làm phiền trong thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là với những người làm việc từ xa.
Theo nghiên cứu, 27% người lao động tại châu Âu không thể ngắt kết nối số, trong khi 20 - 25% thường xuyên phải xử lý công việc không lương như trả lời email hoặc điện thoại sau giờ làm. Đặc biệt, các ngành giáo dục và y tế bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả, với 42% giáo viên và nhân viên y tế vẫn duy trì liên lạc công việc ngoài giờ.
Luật mới sẽ bổ sung vào Điều 20 của Luật Lao động và Điều 88 của Luật Bảo vệ dữ liệu, chính thức yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng quyền ngắt kết nối của nhân viên. Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt tới 7.500 Euro và bị buộc phải tính những giờ làm ngoài giờ như tăng ca có lương, với mức giới hạn tối đa 80 giờ mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!