Ngày 3/3, tàu vũ trụ không người lái Blue Ghost của Firefly Aerospace đã hạ cánh an toàn xuống bề mặt Mặt Trăng, mở đầu cho sứ mệnh nghiên cứu kéo dài hai tuần. Đây là thành công quan trọng khi các công ty tư nhân cạnh tranh để trở thành những đơn vị tiên phong trong các nhiệm vụ khám phá không gian.
Tàu Blue Ghost, có kích thước tương đương một chiếc ô tô con, đã chạm bề mặt Mặt Trăng vào khoảng 15h35 ngày 3/3 (giờ Việt Nam), gần một khu vực núi lửa cổ đại thuộc Mare Crisium, một lưu vực lớn ở phía đông bắc Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ Mặt Trăng tư nhân Blue Ghost sau khi hạ cánh xuống Mặt Trăng. (Ảnh: NASA/AP)
Khoảnh khắc tàu Blue Ghost tiếp cận bề mặt Mặt Trăng ở tốc độ khoảng 3 km/h đã khiến trung tâm điều khiển của Firefly tại Austin, Texas chìm trong sự hồi hộp. Chỉ vài giây sau, kỹ sư trưởng Will Coogan xác nhận tàu đã hạ cánh thành công, khiến toàn bộ phòng điều khiển vỡ òa trong tiếng reo hò.
Firefly Aerospace trở thành công ty tư nhân thứ hai trên thế giới thực hiện thành công nhiệm vụ đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống Mặt Trăng. Trước đó, công ty Intuitive Machines cũng đã thực hiện một cú đáp thành công nhưng không hoàn hảo khi tàu Odysseus của họ hạ cánh nghiêng, khiến một số thiết bị khoa học bị ảnh hưởng.
Hành trình của Blue Ghost kéo dài hơn 2,8 triệu dặm (khoảng 4,5 triệu km), với quỹ đạo xoay ba vòng quanh Trái Đất trước khi tiếp cận Mặt Trăng. Tàu mất khoảng một tháng rưỡi để hoàn thành chuyến đi kể từ khi được phóng lên bằng tên lửa SpaceX tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida.
Blue Ghost mang theo 10 thiết bị nghiên cứu khoa học, trong đó có hai công cụ đo lường đất Mặt Trăng và nhiệt độ dưới bề mặt do công ty Honeybee Robotics phát triển. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA cũng trang bị một camera stereo để phân tích bụi bề mặt bị cuốn lên khi tàu hạ cánh.
Ba tấm pin mặt trời trên Blue Ghost sẽ cung cấp năng lượng cho tàu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trong suốt 14 ngày trước khi Mặt Trăng bước vào đêm dài lạnh giá, với nhiệt độ có thể xuống tới -173°C.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia và công ty tư nhân đang đẩy mạnh nghiên cứu về Mặt Trăng.
Trước đó, năm 2023, Ấn Độ và Nhật Bản đã thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ Mặt Trăng thành công. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh chương trình thám hiểm không gian với kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030. Mỹ, trong khi đó dự kiến sẽ thực hiện các sứ mệnh có người lái lên Mặt Trăng từ năm 2027 trong khuôn khổ chương trình Artemis.
Firefly Aerospace giành được hợp đồng trị giá 101 triệu USD từ NASA trong chương trình Dịch vụ Vận chuyển Hàng hóa Mặt Trăng Thương mại (CLPS), nhằm thúc đẩy thị trường không gian tư nhân và giảm chi phí các chuyến thám hiểm Mặt Trăng.
NASA hy vọng những nhiệm vụ như của Firefly sẽ giúp họ triển khai các chuyến bay không gian với tốc độ nhanh hơn và chi phí thấp hơn. Ông Chris Culbert, Giám đốc chương trình CLPS của NASA, nhấn mạnh: "Chúng tôi vừa chứng minh rằng điều này có thể thực hiện được. Chúng ta đã hạ cánh lên Mặt Trăng gần như hoàn hảo".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!