Việc thiếu ngủ, ngủ nông có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (Ảnh: Freepik)
Tác giả chính của nghiên cứu - Gawon Cho, tiến sĩ chuyên ngành nội khoa tại Trường Y Yale ở Connecticut, Mỹ - cho biết tình trạng thiếu hụt giấc ngủ hoặc ngủ nông sẽ làm co lại các phần não. Đây là dấu hiệu sớm của chứng suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer.
"Chúng tôi phát hiện thấy thể tích của một phần não hay còn gọi là vùng đỉnh dưới bị thu hẹp ở những người ngủ không đủ giấc và ngủ ít hoặc ngủ nông (giấc ngủ không sâu)" - tiến sĩ Cho nói.
Trong giấc ngủ sâu, não sẽ quét sạch độc tố và tế bào chết, đồng thời sửa chữa và phục hồi các tế bào não cho ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngủ chập chờn, não sẽ bận rộn xử lý cảm xúc, củng cố ký ức và tiếp thu thông tin mới, nên không thể làm nhiệm vụ khác được.
Theo các chuyên gia thần kinh, người lớn cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày (ngủ đủ giờ và ngủ sâu) để khỏe mạnh, trong khi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ cần nhiều hơn, từ 8 - 10 giờ.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hơn 1/3 người trưởng thành không ngủ đủ giấc.
Người lớn cần ngủ 7 - 8 giờ/ngày, trong khi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ cần ngủ từ 8 - 10 giờ (Ảnh Getty)
Một nghiên cứu khác ở Mỹ vào tháng 2/2023 cho thấy thói quen ngủ tốt giúp tăng thêm 5 năm tuổi thọ cho nam giới và gần 3 năm tuổi thọ của phụ nữ.
Theo nhà nghiên cứu Gawon Cho, để có giấc ngủ tốt, chúng ta cần đảm bảo môi trường ngủ thoáng mát, yên tĩnh, ít ánh sáng. Tránh uống rượu trước khi đi ngủ.
"Hãy thiền, đi bộ, tập yoga, tắm nước ấm... giúp bạn thư giãn trước khi ngủ. Tôi nghĩ mọi người thực sự biết mình phải làm gì để để cải thiện giấc ngủ cho chính mình. Bởi không có loại thuốc nào có thể cải thiện giấc ngủ ngoại trừ những loại thuốc ngủ khiến bạn bị lệ thuộc hoặc thậm chí là nghiện" - tiến sĩ Cho cho biết.
Ngược lại, ngủ quá nhiều cũng có nguy cơ tương tự. Theo đó, việc ngủ quá nhiều dường như cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, mặc dù có lẽ gián tiếp hơn.
Nếu một người thường xuyên nằm trên giường hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi đêm, hoặc ngủ nhiều lần trong ngày, có thể đó là dấu hiệu cho thấy họ ngủ rất kém. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer vì những lý do đã nêu.
Ngoài ra, việc cần ngủ quá nhiều có thể liên quan đến tình trạng khuyết tật tinh thần hoặc thể chất. Các tình trạng sức khỏe tâm thần (như bệnh trầm cảm) và những bệnh thể chất (chẳng hạn bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch) có liên quan đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn, cũng như không hoạt động thể chất, cô đơn và cô lập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!