Tảng băng trôi A23A đang tiến gần đến Đảo Nam Georgia ở Biển Weddell tại Nam Cực vào ngày 24/2/2025. (Ảnh: AFP)
Theo thông báo từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) ngày 5/3, tảng băng nặng gần một nghìn tỷ tấn này đã dừng lại ngoài khơi đảo Nam Georgia - một lãnh thổ hải ngoại của Anh tại Nam Đại Tây Dương.
A23a có diện tích 3.672 km² (tính đến tháng 8/2024), lớn hơn gấp đôi thành phố London và chỉ nhỏ hơn một chút so với bang Rhode Island của Mỹ. Tảng băng này tách ra từ thềm băng Filchner ở Nam Cực vào năm 1986 và mắc kẹt dưới đáy biển Weddell suốt hơn 30 năm trước khi bắt đầu trôi dạt theo dòng hải lưu vào năm 2020.
Cuối năm 2024, A23a bị mắc kẹt hàng tháng trời do va vào một ngọn núi ngầm dưới biển, làm chậm lại hành trình về phía Bắc. Khi thoát ra, các nhà khoa học lo ngại rằng tảng băng sẽ tiến về đảo Nam Georgia, cản trở đường di chuyển của hải cẩu và chim cánh cụt khi tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, nguy cơ này đã giảm bớt khi A23a được xác định đã mắc cạn trên thềm lục địa, cách bờ khoảng 90 km.
Nhà hải dương học Andrew Meijers từ BAS nhận định: "Nếu tảng băng vẫn mắc cạn, nó sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái Nam Georgia". Thậm chí, sự xuất hiện của nó có thể mang lại một số lợi ích, khi các chất dinh dưỡng từ băng tan và sự xáo trộn của dòng nước có thể làm tăng nguồn thức ăn cho các loài động vật như chim cánh cụt và hải cẩu.
Tảng băng trôi A23A đang trôi dạt ngoài khơi bờ biển Nam Cực. (Ảnh: AP)
Dù A23a vẫn đang giữ nguyên cấu trúc, các chuyên gia nhận định những tảng băng lớn từng đi theo lộ trình này thường nhanh chóng vỡ ra và tan chảy. "Giờ đây khi đã mắc cạn, khả năng vỡ thành từng mảnh nhỏ càng cao do áp lực gia tăng, nhưng thời điểm chính xác vẫn rất khó dự đoán", ông Meijers cho biết.
Khi A23a vỡ ra, những tảng băng nhỏ hơn có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền và ngành đánh cá vì khó phát hiện và theo dõi hơn so với một tảng băng lớn. "Các cuộc trao đổi với ngư dân cho thấy những tảng băng khổng lồ trước đây đã khiến một số khu vực không thể khai thác trong thời gian dài", ông Meijers cho biết thêm.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, A23a trôi dạt là một phần của chu kỳ phát triển tự nhiên của thềm băng, không trực tiếp liên quan đến biến đổi khí hậu do nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây ra những thay đổi đáng lo ngại tại Nam Cực, làm gia tăng nguy cơ mực nước biển dâng cao trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!