Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã đưa ra cảnh báo và số liệu trên hôm 2/4. Vấn đề người mất tích do xung đột vũ trang đã tạo nên một thảm kịch nhân đạo tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới.
"ICRC đang ghi nhận số lượng người mất tích chưa từng có" - ông Fernando Fornaris, Cố vấn về các vấn đề nhân đạo của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề này.
Khoảng 56.560 trường hợp mất tích mới đã được ghi nhận trong năm 2024, nâng tổng số nạn nhân mất tích hiện đang được Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế theo dõi lên gần 255.000 người - theo số liệu do ICRC công bố vào ngày 2/4.
"Đây là mức tăng cao nhất trong ít nhất 20 năm qua. Số cuộc xung đột quy mô lớn cao chưa từng có và việc xem nhẹ luật nhân đạo quốc tế là nguyên nhân chính dẫn đến lượng lớn người mất tích" - Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc - "Nỗi đau không biết số phận của những người thân yêu ra sao là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất kỳ ai. Điều này không bao giờ nguôi ngoai, bất kể thời gian đã trôi qua bao lâu".
Trong các cuộc xung đột - trọng tâm của cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp Quốc, người ta đã chứng kiến nhiều người mất tích khi họ bị giết, tra tấn, ngược đãi, bắt cóc, giam giữ hoặc buộc phải di dời nhằm chạy trốn khỏi cuộc chiến - ông Volker Turk nói.
Tuy nhiên, ngoài những con số trên, phải kể đến những người mất tích do chế độ độc tài quân sự hay bởi sự đàn áp của nhà nước, hoặc những người mất tích trên các tuyến đường di cư. Cụ thể, ông chỉ ra rằng tình trạng mất tích không chỉ xảy ra ở các vùng chiến sự mà còn là hậu quả của sự đàn áp của nhà nước, chế độ độc tài, các hoạt động chống khủng bố, những tuyến đường di cư và nạn buôn người.
Ông Turk mô tả thêm - "Quy mô là rất lớn. Con số này dao động từ hàng chục nghìn người mất tích ở một số quốc gia, đến hơn 100.000 người ở những quốc gia khác".
Trong 45 năm qua, một nhóm làm việc thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã giải quyết hơn 62.000 vụ mất tích cưỡng bức - ông Turk chia sẻ: "Thật đáng buồn, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm rất lớn".
Ông kêu gọi hành động khẩn cấp trong ba lĩnh vực chính. Trước tiên, ông thúc giục các quốc gia tăng cường và thực hiện đầy đủ khuôn khổ pháp lý và thể chế liên quan đến tình trạng mất tích cưỡng bức, tham khảo Công ước quốc tế về bảo vệ mọi người khỏi tình trạng mất tích cưỡng bức, lưu ý rằng chỉ có 77 quốc gia phê chuẩn công ước này. Ông khuyến khích phê chuẩn rộng rãi hơn, đưa vào luật quốc gia và tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho gia đình.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nỗ lực hướng tới công lý và trách nhiệm giải trình. Ông Turk tuyên bố rằng tình trạng miễn trừ vẫn còn phổ biến và nhiều gia đình vẫn không biết được sự thật về số phận của những người thân yêu của họ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt nạn nhân và gia đình họ vào trung tâm của việc giải quyết vấn đề.
Cuối cùng, ông nhắc lại cam kết trong việc hỗ trợ nạn nhân và hợp tác với các quốc gia, xã hội dân sự và gia đình của những người mất tích để thúc đẩy sự thật, công lý và hòa giải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!