Quỹ Nhà ở Quốc gia: Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế

An Khê (t/h)-Thứ hai, ngày 28/04/2025 06:00 GMT+7

(Ảnh minh họa: Washingtonpost)

bangdatally.xyz - Ở bất cứ quốc gia nào, nhu cầu có nơi “an cư” cũng giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với phúc lợi của các hộ gia đình.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ là một bước đi quan trọng trong chính sách kinh tế ở nhiều quốc gia phát triển.

1. Lịch sử của chính sách nhà ở tại Trung Quốc đã chứng kiến những thay đổi đáng kể. Trước những năm 1990, Trung Quốc có hệ thống nhà ở bao cấp, trong đó chính phủ phân phối nhà miễn phí hoặc với giá rất thấp cho công nhân viên nhà nước. Tuy nhiên, mô hình này không còn phù hợp khi chuyển sang cơ chế thị trường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở nghiêm trọng và giá nhà tăng cao.

Để giải quyết vấn đề này, năm 1991, Trung Quốc thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở (Housing Provident Fund- HPF). Quỹ này yêu cầu người lao động và doanh nghiệp cùng đóng góp để tạo nguồn vốn vay mua nhà với lãi suất thấp. Hệ thống HPF hoạt động theo nguyên tắc: "Người lao động và doanh nghiệp cùng đóng góp - vay ưu đãi để mua nhà". Đây là một dạng quỹ bắt buộc với tất cả người lao động chính thức tại Trung Quốc.

Về cơ chế đóng quỹ, hằng tháng, người lao động trích 5%-12% lương để đóng vào quỹ. Doanh nghiệp cũng đóng góp một khoản tương đương với người lao động vào quỹ này và được gửi tại các ngân hàng do nhà nước chỉ định, sinh lãi suất ổn định. Mức đóng góp tùy theo thành phố: Ví dụ, tại Bắc Kinh, tỷ lệ đóng góp thường là 12% lương, còn tại các tỉnh nhỏ hơn có thể là 5-8%. Về cơ chế vay vốn từ quỹ, sau khi tham gia quỹ trong một khoảng thời gian nhất định (thường tối thiểu 2 năm), người lao động có thể vay tiền mua nhà với lãi suất thấp hơn đáng kể so với thị trường. Khoản vay có thể lên tới 80% giá trị căn nhà, thời gian vay linh hoạt từ 10- 30 năm giúp người mua nhà giảm áp lực tài chính, có thể trả nợ dài hạn. Ngoài việc hỗ trợ vay mua nhà, quỹ còn được sử dụng để trả tiền thuê nhà cho những người chưa đủ điều kiện mua nhà. Sửa chữa, cải tạo nhà khi người lao động có nhu cầu. Hỗ trợ những người thất nghiệp (họ có thể rút tiền trong quỹ khi mất việc).

Quỹ Nhà ở Quốc gia: Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế - Ảnh 1.

Người lao động có thu nhập trung bình - thấp ở Trung Quốc là đối tượng hưởng lợi từ Quỹ Tiết kiệm nhà ở - (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Với các chính sách như trên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp ở Trung Quốc là đối tượng hưởng lợi. Với nhân viên nhà nước, công chức, người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân được ưu tiên tiếp cận các khoản vay từ quỹ với điều kiện tốt hơn. Người trẻ, cặp vợ chồng mới cưới được hưởng các chương trình hỗ trợ vay mua nhà đầu tiên.

Ước tính, khoảng hơn 170 triệu người lao động Trung Quốc tham gia quỹ, tạo ra nguồn vốn khổng lồ để hỗ trợ mua nhà. Góp phần giảm bớt áp lực tài chính khi mua nhà, đặc biệt tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Qua đó ổn định thị trường bất động sản, giảm đầu cơ, giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở hơn. Tạo thói quen tiết kiệm bắt buộc, giúp người lao động có kế hoạch tài chính dài hạn.

2. Singapore là một trong những mô hình thành công nhất trên thế giới về phát triển nhà ở công cộng - một loại hình nhà ở có nhiều tương đồng với nhà ở xã hội ở Việt Nam. Quyết định quan trọng tạo nên thành công trong việc phát triển nhà ở công cộng ở Singapore là việc quốc gia này thành lập Hội đồng Phát triển Nhà ở (HDB- Housing & Development Board), một cơ quan tập trung vào việc lập kế hoạch, xây dựng và quản lý toàn bộ nhà ở công cộng.

3 năm sau khi thành lập, HDB đã xây dựng được 31.317 căn hộ và giải quyết thành công cuộc khủng hoảng nhà ở tại Singapore. HDB hoạt động theo mô hình "chủ đầu tư và quản lý nhà ở công cộng", kết hợp với các chính sách tài trợ và hỗ trợ tài chính của chính phủ. Đồng thời, HDB chịu trách nhiệm quy hoạch và xây dựng các khu căn hộ công cộng, từ nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp đến các căn hộ có tiện ích cao cấp hơn cho tầng lớp trung lưu. Các khu HDB đều có thiết kế hiện đại, đầy đủ tiện ích như trường học, trung tâm thương mại, công viên, nhà văn hóa, giúp nâng cao chất lượng sống.

Về chính sách hỗ trợ tài chính và vay mua nhà, chính phủ Singapore tạo điều kiện để người dân có thể sở hữu nhà thông qua các chương trình vay ưu đãi và trợ cấp, như: Quỹ Tiết kiệm Trung ương, Chương trình vay mua nhà HDB, Trợ cấp nhà ở…

Về chính sách quản lý và sử dụng nhà ở: Một là, nhà HDB chủ yếu là chế độ sở hữu có thời hạn (Leasehold 99 năm). Người dân không sở hữu vĩnh viễn mà chỉ có quyền sử dụng trong thời gian này. Hai là, nhà ở công cộng được phân bổ ưu tiên cho người dân Singapore (công dân và thường trú nhân), hạn chế người nước ngoài mua bán. Nhà ở HDB chỉ được phép bán lại trên thị trường thứ cấp sau 5 năm sở hữu, nhằm tránh đầu cơ và đảm bảo nhà ở thực sự dành cho những người có nhu cầu.

Chính phủ Quốc đảo sư tử đã nhắm mục tiêu sở hữu nhà giá rẻ cho 90% dân số như một mục tiêu chính trị xã hội quan trọng. Trong tổng số quỹ nhà của HDB, 95% đã được bán với giá trợ cấp theo hợp đồng thuê 99 năm. 5% còn lại vẫn là các căn hộ cho thuê. HDB cũng cung cấp các khoản vay nhà ở dài hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường và tỷ lệ cho vay trên giá trị là 90%, trong đó Quỹ Dự phòng Trung ương (CPF) đóng vai trò trung tâm trong việc huy động thành công tiền tiết kiệm để sở hữu nhà cho cả nhà ở do khu vực công và tư nhân xây dựng.

Quỹ Nhà ở Quốc gia: Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế - Ảnh 2.

Những căn hộ tiện nghi giá rẻ ở Singapore. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

3. Tại Hàn Quốc, vào những năm 1970-1980, đất nước này trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân số tập trung đông tại các thành phố lớn như Seoul, Busan, và Incheon. Sự gia tăng nhu cầu nhà ở kéo theo giá bất động sản tăng cao, khiến nhiều người khó tiếp cận được nhà ở.

Để người dân tiếp cận nhà ở, Hàn Quốc thành lập Quỹ Tiết kiệm Nhà ở (Housing Subscription Savings Fund). Hàn Quốc yêu cầu người lao động đóng góp một phần thu nhập hàng tháng vào quỹ này. Sau đó, quỹ này cung cấp các khoản vay mua nhà với lãi suất thấp cho người tham gia, giúp họ tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn.

Hàn Quốc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia (NHF) vào năm 1981 để tài trợ cho việc xây dựng nhà cho thuê và mua và cung cấp các khoản vay nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp. Nguồn tài trợ cho NHF có nguồn gốc từ ngân sách chính phủ, trái phiếu nhà ở quốc gia và trái phiếu NHF, một hình thức xổ số nhà ở, và tiết kiệm theo hợp đồng, các khoản vay nước ngoài, quỹ khấu hao và các quỹ liên quan khác… Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc "tiết kiệm trước - vay sau", tức là người dân phải tham gia gửi tiết kiệm một khoảng thời gian nhất định trước khi có thể vay tiền để mua nhà. Hệ thống này giúp đảm bảo khả năng chi trả của người vay và ổn định thị trường tài chính nhà ở.

Về đối tượng tham gia và hưởng lợi từ quỹ: Người lao động phổ thông và người có thu nhập trung bình - thấp, những người khó tiếp cận các khoản vay thương mại thông thường. Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), đặc biệt là các cặp vợ chồng mới cưới, thường nhận được ưu đãi đặc biệt từ quỹ. Người chưa sở hữu nhà được ưu tiên hơn khi đăng ký mua các căn hộ do chính phủ hỗ trợ.

Quỹ tiết kiệm nhà ở đã giúp hàng triệu người lao động Hàn Quốc tích lũy tài chính và mua nhà dễ dàng hơn, đồng thời ổn định thị trường bất động sản, giảm đầu cơ, tránh tình trạng giá nhà bị đẩy lên quá cao…, tạo ra thói quen tiết kiệm và tăng cường kỷ luật tài chính cho người dân, giúp giảm áp lực về nhà ở tại các thành phố lớn, nhờ vào nguồn cung nhà ở từ chính phủ...

Việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ là một bước đi quan trọng trong chính sách nhà ở của Việt Nam. Để xây dựng và vận hành hiệu quả quỹ này, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế là vô cùng cần thiết.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước