Ít nhất 215 nhà lập pháp tại Hạ viện Philippines đã ký vào kiến nghị luận tội Phó Tổng thống Sara Duterte, nhiều hơn đáng kể so với số lượng cần có để trình đơn lên Thượng viện.
Việc luận tội con gái của cựu lãnh đạo nóng tính của Philippines - cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, sẽ mở đường cho một phiên tòa hiếm hoi, gây chú ý tại Thượng viện.
Chủ tịch Thượng viện Philippines hôm nay cho biết phiên tòa luận tội Phó Tổng thống Sara Duterte sẽ bắt đầu sau khi quốc hội họp lại vào tháng 6.
Bản luận tội bắt nguồn từ những cáo buộc rằng bà Sara Duterte đã sử dụng sai mục đích tiền công quỹ khi giữ chức Phó Tổng thống và Bộ trưởng Giáo dục, tích lũy của cải không rõ nguồn gốc và đe dọa đến tính mạng của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Đệ nhất phu nhân và Chủ tịch Hạ viện. Bà Sara Duterte đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên.
Bà Sara Duterte và cha mình - cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. (Ảnh: Xinhua)
Bà Duterte đã trở thành viên chức dân cử cấp cao thứ 2 tại Philippines bị luận tội sau cựu Tổng thống Joseph Estrada vào năm 2000.
Động thái này là một bước lùi lớn đối với gia đình Duterte vốn có ảnh hưởng sâu rộng, sau khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 với tư cách là một thị trưởng chống tội phạm, người đã làm đảo lộn chính sách đối ngoại của Philippines và phát động một "cuộc chiến chống ma túy" khiến hàng nghìn người thiệt mạng khi giữ cương vị Tổng thống.
Anh trai của bà Duterte - Nghị sĩ Davao Paolo Duterte, đã nhanh chóng bác bỏ động thái này, khẳng định là có động cơ chính trị ở đó.
Đơn khiếu nại luận tội dài 33 trang được đệ trình với lý do bà Sara Duterte vi phạm hiến pháp, tham nhũng và hối lộ, cùng các tội nghiêm trọng khác và phản bội lòng tin của công chúng.
23 thượng nghị sĩ của Thượng viện sẽ làm bồi thẩm đoàn trong phiên tòa luận tội có thể dẫn đến việc bà Duterte bị cách chức và bị cấm giữ chức vụ suốt đời, đồng nghĩa với việc dập tắt mọi hy vọng bước tiếp trên con đường chính trị của nữ Phó Tổng thống.
Bà Sara Duterte là con gái cựu Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền năm 2016-2022, còn ông Marcos là con trai cố lãnh đạo Ferdinand E. Marcos nắm quyền giai đoạn 1965-1986.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại Manila ngày 10/1. (Ảnh: AFP)
Về phần mình, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho biết ông không ủng hộ việc luận tội bà Duterte nhưng không có quyền lực đối với nhánh lập pháp.
Vào tháng trước, khoảng 1,6 triệu người trong giáo phái Iglesia ni Cristo ở Philippines đã tập trung biểu tình tại thủ đô Manila để phản đối việc luận tội Phó Tổng thống Sara Duterte.
Động thái của các nghị sĩ Hạ viện ngày 5/2 làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa hai gia tộc chính trị Marcos và Duterte quyền lực bậc nhất ở Philippines.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!