Deepfake khiêu dâm đang hủy hoại cuộc sống thực tại ở Hàn Quốc, khiến nhiều nạn nhân lâm vào khủng hoảng.
Vào năm 2021, Ruma (tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do an toàn) bất ngờ nhận được hàng loạt tin nhắn chứa hình ảnh gương mặt cô bị gán ghép vào các cơ thể khỏa thân và lan truyền trong một phòng chat trên ứng dụng Telegram. Không chỉ bị xúc phạm bằng những lời lẽ dung tục, Ruma còn bị đe dọa phát tán hình ảnh rộng rãi hơn.
Đây là một ví dụ tiêu biểu cho sự lan rộng của vấn nạn phim khiêu dâm deepfake tại Hàn Quốc, nơi đã từng phải đối mặt với hàng loạt tội phạm tình dục kỹ thuật số như: quay lén và các phòng chat tống tiền trên Telegram. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ tháng 1 - 12/2024, hơn 900 học sinh, giáo viên và nhân viên trường học đã trở thành nạn nhân của các vụ việc liên quan đến deepfake.
Deepfake là công nghệ mô phỏng hình ảnh khuôn mặt con người, được đặt tên theo cụm từ được kết hợp giữa "deep learning" (máy học) và "fake" (giả).
Công nghệ này có thể tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video giả, nhờ vào trí tuệ nhân tạo tinh vi.
Trước thực trạng này, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập tổ công tác khẩn cấp và Quốc hội nước này đã sửa đổi luật, tăng mức phạt tối đa đối với hành vi sản xuất và phát tán hình ảnh deepfake khiêu dâm không có sự đồng thuận lên đến 7 năm tù giam. Tuy nhiên, số vụ bắt giữ vẫn còn rất hạn chế. Trong số 964 vụ việc được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái, chỉ có 23 vụ dẫn tới việc bắt giữ.
Won Eun-ji, một nhà hoạt động và nhà báo nổi tiếng vì đã vạch trần vụ án phòng chat Telegram lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2020, cho biết xã hội vẫn chưa hiểu hết mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. (Ảnh: CNN)
Một số nạn nhân như Ruma đã tự tiến hành điều tra do quá trình hỗ trợ từ phía cảnh sát còn chậm trễ. Với sự giúp đỡ của nhà hoạt động Won Eun-ji, người từng vạch trần đường dây tội phạm tình dục kỹ thuật số lớn nhất Hàn Quốc năm 2020, các đối tượng trong vụ việc của Ruma cuối cùng đã bị bắt giữ và tuyên án, trong đó kẻ chủ mưu nhận mức án 9 năm tù.
Tuy nhiên, sự thiếu đồng cảm từ xã hội vẫn khiến các nạn nhân như cô giáo Kim - một nạn nhân khác - cảm thấy cô lập. Kim bị deepfake từ những bức ảnh chụp trộm trong lớp học và tự điều tra để tìm ra thủ phạm là một học sinh ít ai ngờ tới.
Kim, một giáo viên trung học (giấu tên), từng là nạn nhân của deepfake khiêu dâm. (Ảnh: CNN)
Trong khi đó, các nền tảng như Telegram và Twitter (nay là X) cũng đối mặt với áp lực lớn từ phía dư luận và cơ quan chức năng. Telegram đã cam kết hợp tác với chính quyền Hàn Quốc trong việc xóa bỏ nội dung bất hợp pháp, sau khi nhà sáng lập Pavel Durov bị điều tra tại Pháp.
Một bước tiến quan trọng đã được ghi nhận vào tháng 1/2025, khi cảnh sát Hàn Quốc lần đầu tiên thu thập thành công dữ liệu phục vụ điều tra từ Telegram, dẫn tới việc bắt giữ 14 đối tượng,, trong đó có 6 trẻ vị thành niên, liên quan tới các vụ bóc lột tình dục kỹ thuật số.
Dù các nỗ lực đã đạt được một số kết quả, các nạn nhân nhấn mạnh rằng hành trình tìm kiếm công lý vẫn còn dài. "Có quá nhiều nạn nhân vẫn phải chịu đựng trong im lặng vì thủ phạm chưa bị bắt", Ruma chia sẻ - "Những bản án vẫn chưa thực sự phản ánh sự thay đổi hay mang lại công lý cho nạn nhân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!