Phát hiện xương hàm cổ đại thuộc về một nhóm tổ tiên bí ẩn của loài người

Mạnh Dương (Theo AP)-Thứ ba, ngày 15/04/2025 08:48 GMT+7

Hình minh họa này do các nhà nghiên cứu cung cấp vào tháng 4/2025 mô tả một người đàn ông Denisovan ở Đài Loan (Trung Quốc) vào kỷ Pleistocene cách đây khoảng 2,6 triệu đến 11.700 năm. (Ảnh: AP)

bangdatally.xyz - Một mảnh xương hàm cổ được tìm thấy gần eo biển Đài Loan (Trung Quốc) vừa được xác định có liên quan tới người Denisovan – nhóm tổ tiên bí ẩn của loài người.

Theo một công bố mới, một mẫu xương hàm cổ đại được phát hiện ở vùng biển gần Đài Loan (Trung Quốc) có khả năng cao thuộc về nhóm người Denisovan – một nhóm họ hàng xa đã tuyệt chủng của loài người hiện đại (Homo sapiens).

Người Denisovan vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Dù từng sinh sống và tương tác với người Neanderthal và Homo sapiens, các bằng chứng hóa thạch về họ cực kỳ hiếm. Cho đến nay, giới khoa học mới chỉ ghi nhận một vài mảnh xương hàm, răng và một phần xương ngón tay được tìm thấy tại các hang động ở Siberia và Tây Tạng. 

Mẫu xương vừa được công bố được vớt lên từ đáy biển ở kênh Penghu, gần eo biển Đài Loan (Trung Quốc), trong một chuyến đánh bắt cá. Sau khi lưu lạc đến một cửa hàng đồ cổ, mẫu vật đã được một nhà sưu tầm mua lại năm 2008 và trao tặng cho Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc).

Các phân tích ban đầu cho thấy mẩu xương có niên đại thuộc kỷ Pleistocen, nhưng chưa thể xác định rõ thuộc loài người cổ nào. Do tình trạng xương không còn tốt, việc tìm kiếm DNA từ một mẫu hài cốt cổ xưa như vậy dường như là bất khả thi. Mặc dù vậy, một số phân tích di truyền tinh vi hơn dựa trên các protein đã giúp nhóm nghiên cứu đi đến kết quả. Các nhà khoa học từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Đan Mạch đã thành công trong việc thu được một số chuỗi protein từ mẫu xương này.

Phát hiện xương hàm cổ đại thuộc về một nhóm tổ tiên bí ẩn của loài người - Ảnh 1.

Bờ biển của Quần đảo Penghu, gần nơi tìm thấy xương hàm hóa thạch ở Kênh Penghu. (Ảnh: AP)

Kết quả phân tích cho thấy một số chuỗi protein này giống với trình tự gen được tìm thấy trong mẫu hóa thạch Denisovan từng khai quật ở Siberia. 

Phát hiện mới này được công bố trên tạp chí khoa học Science. Ông Takumi Tsutaya, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Sau đại học về Nghiên cứu Tiên tiến (Nhật Bản), cho biết: "Đây là bằng chứng giúp mở rộng hiểu biết về khu vực từng có người Denisovan sinh sống ở phía đông Á".

Dù vậy, một số chuyên gia như ông Rick Potts – Giám đốc Dự án Nguồn gốc Con người tại Viện Smithsonian (Mỹ) – vẫn tỏ ra thận trọng. Ông Potts nhận định nghiên cứu đã "làm rất tốt trong việc phục dựng protein", nhưng lưu ý rằng một mảnh hóa thạch nhỏ có thể chưa đủ để đưa ra kết luận chắc chắn.

Các nhà khoa học cho rằng ba nhóm người cổ đại gồm Homo sapiens, Neanderthal và Denisovan từng đồng thời tồn tại và có sự lai giống với nhau ở khu vực Âu - Á. Ngày nay, dấu vết di truyền của người Denisovan vẫn còn tồn tại trong ADN của một số cộng đồng người hiện đại.

Phát hiện khảo cổ ấn tượng thời La Mã cổ đại cách đây hơn 2.000 năm Phát hiện khảo cổ ấn tượng thời La Mã cổ đại cách đây hơn 2.000 năm Ai Cập công bố loạt phát hiện khảo cổ mới Ai Cập công bố loạt phát hiện khảo cổ mới Di chỉ khảo cổ vô giá của Sudan bị những kẻ đào vàng hủy hoại Di chỉ khảo cổ vô giá của Sudan bị những kẻ đào vàng hủy hoại

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước