Nghiên cứu mới cho thấy một tảng đá tại một trường học ở Queensland mang 66 dấu chân khủng long có niên đại từ đầu kỷ Jura khoảng 200 triệu năm trước. (Ảnh: Đại học Queensland)
Các nhà nghiên cứu xác định một tảng đá tại trường trung học ở Queensland in dấu hơn 60 vết chân khủng long hóa thạch, là một trong những nơi tập trung dấu chân khủng long dày đặc nhất từng được ghi nhận tại Australia.
Tảng đá, nằm trong khuôn viên trường trung học Biloela ở miền trung Queensland hơn 20 năm qua, được phát hiện có chứa 66 dấu chân hóa thạch của 47 con khủng long từ kỷ Jura sớm, khoảng 200 triệu năm trước.
Theo nghiên cứu do Tiến sĩ Anthony Romilio từ Phòng thí nghiệm Khủng long thuộc Đại học Queensland dẫn đầu, những dấu chân ba ngón này thuộc về Anomoepus scambus - một loài khủng long ăn thực vật di chuyển bằng hai chân, có chân dài, tay ngắn và thân hình chắc nịch.
Tiến sĩ Romilio nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này, bởi đến nay chưa có bất kỳ bộ xương khủng long nào từ thời kỳ đó được tìm thấy tại Australia. "Chúng ta chưa bao giờ tìm thấy xương của chúng, nhưng nhờ những dấu chân này, chúng ta biết chúng từng tồn tại".
Hình ảnh chi tiết về tảng đá chứa in dấu hơn 60 vết chân của loài khủng long cách đây 200 triệu năm. (Ảnh: Đại học Queensland)
Tảng đá có diện tích chưa đến một mét vuông, chứa 13 đường đi riêng biệt, chiếm khoảng một nửa trong tổng số 66 dấu chân. Các dấu chân có thể đã được hình thành trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, khi các con khủng long đi lại trên lớp bùn nông dọc theo một con sông cổ.
Tảng đá này được phát hiện tại mỏ Callide vào năm 2002 và được tặng cho trường trung học Biloela bởi nhà địa chất Wes Nichols. Tuy nhiên, giá trị thực sự của nó bị bỏ qua trong nhiều năm, cho đến khi cộng đồng địa phương liên hệ với Tiến sĩ Romilio sau khi thấy công trình nghiên cứu của ông về dấu chân khủng long ở Mount Morgan.
Hình ảnh về loài khủng long giống Pisanosaurus. (Ảnh: Đại học Queensland)
Một tảng đá hóa thạch khác cũng bị lãng quên trong nhiều năm, cho đến khi Tiến sĩ Romilio tình cờ phát hiện tại mỏ Callide, nơi nó được sử dụng như cột mốc cho bãi đỗ xe. "Tôi vô cùng bất ngờ", ông mô tả về tảng đá nặng hai tấn chứa hai dấu chân khủng long.
Để làm rõ các dấu chân hóa thạch, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ tạo mô hình 3D bằng cách kết hợp nhiều bức ảnh và điều chỉnh độ tương phản, ánh sáng nhằm làm nổi bật các đường nét.
Với tầm quan trọng của phát hiện này, tảng đá sẽ được di dời khỏi trường trung học Biloela để trưng bày công khai tại văn phòng hội đồng khu vực Banana Shire. Tiến sĩ Romilio hy vọng phát hiện này sẽ khuyến khích công chúng báo cáo thêm về các hóa thạch tiềm năng, giúp giới khoa học tiếp tục khám phá những bí ẩn về các loài khủng long tại Australia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!