Những người di cư, chủ yếu từ các nước châu Á, đã đến Panama City vào ngày 8/3/2025, sau nhiều tuần ở trại di trú tạm thời của Panama sau khi bị trục xuất khỏi Mỹ và được thả ra với điều kiện phải rời khỏi đất nước trong vòng 30 ngày. (Ảnh: AP)
Những người được thả bao gồm công dân từ Trung Quốc, Nga, Pakistan, Afghanistan, Iran, Nepal và nhiều quốc gia khác. Trước đó, họ đã bị giam giữ nhiều tuần trong điều kiện khó khăn tại một trại giam xa xôi gần biên giới Colombia. Trong số đó có Hayatullah Omagh, 29 tuổi, người đã chạy trốn khỏi Afghanistan vào năm 2022 do lo sợ Taliban.
"Chúng tôi là những người tị nạn. Chúng tôi không có tiền, không thể trả tiền khách sạn, cũng không có người thân ở đây. Tôi không thể quay lại Afghanistan, họ sẽ giết tôi", Omagh chia sẻ. Chính quyền Panama cho biết những người bị trục xuất có thể gia hạn thời gian lưu trú thêm 60 ngày, nhưng nhiều người vẫn không rõ họ sẽ đi đâu tiếp theo.
Việc giam giữ và trục xuất những người nhập cư là một phần trong thỏa thuận giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và Panama, nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến Mỹ. Theo thỏa thuận, Mỹ gửi hàng trăm người di cư - bao gồm cả gia đình có trẻ nhỏ - đến Panama và Costa Rica, trước khi tìm cách trục xuất họ về nước.
Thỏa thuận này đã vấp phải nhiều chỉ trích khi hàng trăm người bị giam giữ tại một khách sạn ở Panama City giơ những tờ giấy cầu cứu ra cửa sổ, cho biết họ sợ phải quay về quê hương. Một số người bị từ chối quyền xin tị nạn, dù theo luật quốc tế, người chạy trốn xung đột và đàn áp, có quyền được xét duyệt đơn.
Những người di cư đang chờ phương tiện di chuyển đến khách sạn sau khi đến Thành phố Panama. (Ảnh: AP)
Những người bị giam giữ mô tả điều kiện tại trại giam là khắc nghiệt, với thực phẩm khan hiếm, thời tiết nóng bức và sự đối xử cứng rắn từ giới chức Panama. Một số người cần hỗ trợ y tế nhưng không được điều trị kịp thời, trong đó có một người mắc tiểu đường không được cấp insulin và một người nhiễm HIV không có thuốc điều trị.
Một số người nhập cư đã tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ. Theo Omagh, một người đàn ông Trung Quốc đã tuyệt thực suốt một tuần, một cuộc bạo loạn nhỏ nổ ra khi lính gác từ chối trả lại điện thoại cho một người bị giam. Vụ việc sau đó bị dập tắt bởi lực lượng có vũ trang.
Mặc dù Panama phủ nhận các cáo buộc về điều kiện trại giam, nước này đã chặn phóng viên tiếp cận khu vực này và hủy bỏ một chuyến thăm báo chí theo kế hoạch.
Một cậu bé đi cùng mẹ và những người di cư khác bị giam giữ tại trại di trú Panama. (Ảnh: AP)
Sau khi được thả, nhiều người nhập cư vẫn chưa có phương án di chuyển tiếp theo. Một số tổ chức nhân đạo cho biết sẽ hỗ trợ đưa họ đến quốc gia thứ ba, nhưng khả năng này vẫn còn mơ hồ. Trong khi đó, chính quyền Panama khẳng định họ đã cung cấp trợ giúp nhưng nhiều người di cư từ chối.
Một số người, như một phụ nữ Trung Quốc giấu tên, vẫn kiên quyết tìm cách quay lại Mỹ. "Tôi vẫn muốn đến Mỹ và thực hiện giấc mơ của mình", cô nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!