Một bé gái tị nạn Afghanistan tại Trại tị nạn Kababayan ở Peshawar, Pakistan, ngày 8/4/2025. (Ảnh: AP)
Tại thành phố Peshawar, tây bắc Pakistan, ông Akber Khan – một người gốc Afghanistan – vẫn duy trì hoạt động kinh doanh nhà hàng bất chấp chiến dịch trục xuất người nước ngoài mà chính phủ Pakistan đang triển khai. Ông Khan cho biết đã sống gần 50 năm tại đây, lập gia đình, có con và thậm chí có người thân được chôn cất ở địa phương này nên không có ý định rời đi.
Pakistan đang đặt mục tiêu trục xuất hơn 3 triệu người Afghanistan trong năm nay, trong đó ít nhất 1/3 số này hiện sống tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa – khu vực giáp biên giới Afghanistan. Nơi đây từ lâu đã là điểm đến tự nhiên của người Afghanistan do có chung ngôn ngữ, văn hóa. Tuy nhiên, chính phủ Pakistan không nắm rõ số lượng người Afghanistan không có giấy tờ đang cư trú tại quốc gia này.
Công dân Afghanistan Muhammad Zameer phát biểu trong cuộc phỏng vấn với AP tại Trại tị nạn Kababayan ở Peshawar, Pakistan, ngày 8/4/2025. (Ảnh: AP)
Theo giới phân tích, chính quyền địa phương tại Khyber Pakhtunkhwa không quá tích cực trong việc hồi hương người Afghanistan. Nhiều yếu tố như địa hình hiểm trở, xung đột sắc tộc và sự hiện diện của các nhóm vũ trang đã khiến kế hoạch trục xuất gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, sự đồng cảm về văn hóa và quan điểm phản đối các biện pháp cưỡng bức đối với người tị nạn cũng góp phần làm chậm tiến độ.
Trong khi các đợt truy quét đang diễn ra tại Islamabad, Rawalpindi và các tỉnh miền Đông như Punjab và Sindh, tốc độ trục xuất tại Khyber Pakhtunkhwa vẫn diễn ra chậm. Từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ khoảng 35.000 người Afghanistan rời Pakistan qua cửa khẩu Torkham - con số thấp hơn nhiều so với đợt cao điểm năm 2023.
Những người tị nạn Afghanistan thảo luận về tình hình sau khi chính phủ Pakistan có kế hoạch trục xuất họ, tại Trại tị nạn Kababayan ở Peshawar, Pakistan, ngày 8/4/2025. (Ảnh: AP)
Tại một trạm nghỉ gần Peshawar, các gia đình người Afghanistan trên đường rời khỏi Pakistan chia sẻ với báo chí rằng họ buộc phải rời đi sau nhiều lần bị khám xét, dù không hề mong muốn. Nhiều người lo ngại về tương lai tại Afghanistan khi không có người thân, mạng lưới xã hội hay khả năng tiếp cận giáo dục.
Tại trại tị nạn Kababayan, nơi cư trú của hơn 15.000 người Afghanistan, nhu cầu được ở lại gắn liền với lý do giáo dục, đặc biệt là việc các bé gái không được đi học ở Afghanistan dưới chính quyền Taliban. Một số phụ nữ bản địa còn đang nỗ lực xin thẻ căn cước cho chồng mình là người Afghanistan, nhằm tránh bị trục xuất.
"Tôi không bao giờ tưởng tượng chính phủ lại đối xử với chồng tôi như vậy", một người vợ chia sẻ. "Nếu họ đến bắt anh ấy đi, tôi sẽ không để yên".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!