Tổng thống Donald Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 4/2/2025 (Ảnh AP)
Mỹ và Israel đều không phải là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hoặc công nhận tòa án này, nơi đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh liên quan đến chiến dịch quân sự của ông ở Gaza từ tháng 10/2023. Hàng chục nghìn người Palestine, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong quá trình tấn công của quân đội Israel vào Dải Gaza nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas.
Sắc lệnh mà ông Trump ký cáo buộc ICC tham gia vào "các hành động bất hợp pháp và vô căn cứ nhắm vào Mỹ và đồng minh thân cận của chúng ta là Israel"; lạm dụng quyền lực của mình bằng cách ban hành "lệnh bắt giữ vô căn cứ" đối với Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Sắc lệnh nêu rõ "ICC không có thẩm quyền đối với Mỹ hoặc Israel", đồng thời nói thêm rằng tòa án đã tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" với các hành động của mình chống lại cả hai quốc gia.
Tháng 5/2024, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh liên quan đến chiến dịch quân sự của ông ở Gaza. (Ảnh: NYT)
Động thái của Tổng thống Trump diễn ra khi Thủ tướng Netanyahu đang thăm Washington hôm 4/2. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, sau đó ông Netanyahu đã dành một phần thời gian để gặp gỡ các nhà lập pháp tại Đồi Capitol.
Sắc lệnh nêu rõ Mỹ sẽ áp đặt "hậu quả rõ ràng và đáng kể" đối với những người chịu trách nhiệm về "hành vi vi phạm" của ICC. Các hành động có thể bao gồm: chặn tài sản và không cho phép các viên chức, nhân viên và người thân của ICC vào Mỹ.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết việc trừng phạt các viên chức tòa án sẽ có thể đi ngược lại lợi ích của Mỹ tại các khu vực xung đột khác mà tòa án ICC đang điều tra.
"Các nạn nhân của hành vi vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới tìm đến Tòa án Hình sự Quốc tế khi họ không còn nơi nào khác để đi, và sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump sẽ khiến họ khó tìm được công lý hơn", ông Charlie Hogle - luật sư của Dự án An ninh Quốc gia thuộc Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Mỹ bày tỏ quan điểm. "Sắc lệnh này cũng nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về Tu chính án thứ nhất vì nó khiến nhiều người ở Mỹ có nguy cơ phải chịu hình phạt khắc nghiệt vì giúp tòa án xác định và điều tra những hành vi tàn bạo do bất kỳ ai gây ra ở bất kỳ đâu".
Tòa án ICC cũng từng ban hành lệnh bắt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3/2023. (Ảnh: President of Russia)
Giống như Israel, Mỹ không nằm trong số 124 thành viên của tòa án và từ lâu đã nghi ngờ rằng một "Tòa án Toàn cầu" gồm các thẩm phán không được bầu có thể tùy tiện truy tố các quan chức Mỹ.
Một đạo luật năm 2002 cho phép Lầu Năm Góc giải phóng bất kỳ người Mỹ hoặc đồng minh nào của Mỹ bị tòa án ICC giam giữ. Năm 2020, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã trừng phạt công tố viên trưởng Fatou Bensouda, vì quyết định mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh do tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ, gây ra ở Afghanistan.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đó đã được dỡ bỏ dưới thời Tổng thống Joe Biden, và Mỹ bắt đầu hợp tác một cách yếu ớt với ICC - đặc biệt là sau khi Tòa án này ban hành lệnh bắt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belov với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga, hồi tháng 3/2023.
Mối quan hệ giữa Mỹ và ICC được đánh giá là khá phức tạp. Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc thông qua Quy chế Rome, thiết lập tòa án này là tòa án xét xử cuối cùng để truy tố những tội ác tồi tệ nhất thế giới, bao gồm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng, nếu các chính phủ riêng lẻ không hành động.
Mỹ đã bỏ phiếu chống lại Quy chế Rome vào năm 1998. Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Bill Clinton đã ký quy chế này vào năm 2000 nhưng không gửi hiệp ước tới Thượng viện Mỹ để phê chuẩn.
Khi George W. Bush trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2001, ông đã hủy bỏ chữ ký của Mỹ và dẫn đầu một chiến dịch gây sức ép buộc các quốc gia tham gia các thỏa thuận song phương không giao nộp người Mỹ cho ICC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!