Chính sách thuế quan mới của Mỹ đã làm chao đảo thị trường thế giới. (Ảnh: AP)
Mức áp thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố hôm 2/4 đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu. Giới phân tích cho rằng đây là một bước leo thang mạnh mẽ trong chính sách bảo hộ thương mại, với việc áp dụng mức thuế đối ứng cho hàng chục quốc gia. 60 nền kinh tế bị Mỹ cho là "gây mất cân bằng thương mại" đã bị áp các mức thuế đối ứng từ 10 - 46%. Trong đó, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Tiếp đó là Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%.
Theo giải thích của Nhà Trắng, thuế đối ứng được tính bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp lên hàng hóa Mỹ, dựa trên công thức tính toán của Bộ Tài chính Mỹ. Công thức này không chỉ dựa trên thuế quan, mà còn tính đến các yếu tố như rào cản phi thuế quan, thao túng tiền tệ và thâm hụt thương mại song phương.
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Trump viện dẫn quyền hạn theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia do thâm hụt thương mại lớn và dai dẳng gây ra vì quan hệ thương mại giữa Mỹ và các nước không công bằng. Tuy nhiên, căn cứ để ban hành các mức thuế cụ thể đối với từng quốc gia chưa rõ ràng và cũng chưa từng có tiền lệ.
Bên cạnh thuế đối ứng, sắc lệnh được ông Trump ký ngày 2/4 còn đưa ra mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực ngay từ ngày 5/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách về thuế quan đối ứng tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. (Ảnh: AFP)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo các nước hãy phản ứng thận trọng
Trong cuộc phỏng vấn ngày 2/4 với Đài CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh: "Hãy ngồi xuống, hít thật sâu, đừng trả đũa ngay lập tức. Hãy xem xét việc này một cách thận trọng. Nếu quý vị trả đũa, đó chính là cách dẫn đến leo thang".
Ông Bessent cho biết chính sách thuế quan hiệu quả nhất giống như một "viên đá lạnh đang co lại", thừa nhận rằng thuế quan không thể vừa tăng doanh thu, vừa giúp khôi phục sản xuất của Mỹ cùng một lúc.
Ông Bessent lập luận rằng thuế quan có nhiều công dụng: vừa để tăng doanh thu, thúc đẩy ngành công nghiệp Hoa Kỳ, vừa bảo vệ lợi ích và ưu tiên quốc gia.
Nhưng khi được phóng viên Kaitlan Collins của CNN hỏi về khả năng doanh thu thuế quan sẽ giảm dần theo thời gian nếu mức thuế cao đối với hàng hóa nước ngoài khuyến khích người Mỹ mua sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất, ông Bessent cho biết "đó có thể là một phần của vấn đề".
"Đó là lý do tại sao trước đây tôi gọi chính sách thuế quan được thực hiện đúng cách là một viên đá lạnh đang co lại", ông nói. "Chúng ta sẽ bắt đầu với thu nhập thuế quan cao, rất cao nhưng sau đó khi các nhà máy đến Mỹ, chúng ta sẽ có nhiều thu nhập kinh doanh và từ tiền lương hơn".
Nhưng ông Bessent cũng cho rằng Mỹ sẽ chiến thắng theo cả hai cách. "Đó là một sự tái cân bằng, vì vậy chúng ta tái cân bằng từ thuế quan sang thu nhập trong nước nhiều hơn".
Trước các mức áp thuế mới của ông Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo các nước làm điều hấp tấp là không khôn ngoan và gợi ý rằng các mức thuế quan có thể không phải vĩnh viễn.
Theo ông Bessent, một cuộc chiến thương mại phụ thuộc vào từng quốc gia: "Nhưng hãy nhớ rằng, trong lịch sử thương mại, chúng ta là quốc gia thâm hụt. Quốc gia thâm hụt có lợi thế. Họ là các quốc gia thặng dư. Và các quốc gia thặng dư theo truyền thống luôn thua trong bất kỳ sự leo thang thương mại nào. Với tư cách từng là một sinh viên hay giáo sư lịch sử kinh tế, tôi khuyên không nên làm vậy".
Ông Trump nêu điều kiện để giảm thuế
Thông báo mức thuế quan mới là nỗ lực của ông Trump nhằm áp đặt những thay đổi sâu rộng đối với các thỏa thuận thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ. Mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các thực thể nước ngoài bán nhiều hàng hóa cho quốc gia này hơn là mua. Washington kỳ vọng các quốc gia khác sẽ hạ thuế quan và phá bỏ các rào cản thương mại khác mà họ cho là đã dẫn đến mất cân bằng thương mại 1.200 tỷ USD vào năm ngoái.
Tổng thống Donald Trump vẫy tay chào khi ông đến Sân bay Quốc tế Miami trên chuyên cơ Không lực Một, ngày 3/4/2025. (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump nói quyết định áp thuế khiến Mỹ ở vị trí làm chủ tình hình, nhấn mạnh thuế giảm hay không phụ thuộc vào những gì các đối tác mang lại cho Mỹ.
"Mọi quốc gia đều gọi cho tôi. Đó là sự tốt đẹp của những gì chúng ta làm. Chúng ta ở vị trí làm chủ tình hình", ông Donald Trump nói với các phóng viên ngày 3/4, sau công bố gây chấn động thị trường toàn cầu và làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều nước.
Trả lời phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một ngày hôm qua, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sẵn sàng đàm phán với các quốc gia khác về các ưu đãi "nếu họ làm cho Mỹ những điều phi thường". "Trước đây, nếu chúng tôi đề nghị các quốc gia đó giúp, họ sẽ từ chối. Bây giờ họ sẽ làm bất cứ điều gì cho chúng tôi", ông nói.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi một số quan chức Nhà Trắng khẳng định rằng mức thuế quan đối ứng mới được công bố là không thể thương lượng, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và xóa sổ 2.000 tỷ USD vốn hóa khỏi chỉ số S&P 500 trong phiên giao dịch đầu ngày 3/4.
Thông báo về mức thuế quan "Ngày giải phóng" đã làm hoảng sợ các thị trường toàn cầu khi các nhà đầu tư lo ngại rằng một cuộc chiến tranh thương mại có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái hoặc thậm chí là Đại suy thoái theo kiểu những năm 1920. Mức thuế quan có đi có lại đã nhắm vào 180 quốc gia với phạm vi và quy mô chưa từng thấy trong một thế kỷ. Bất chấp sự hỗn loạn, ông Trump vẫn khẳng định rằng tác động kinh tế sẽ chỉ là tạm thời và thị trường chứng khoán "sẽ bùng nổ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!