Không còn là những dự án canh tác thí điểm, nông nghiệp trên sa mạc nay đang được triển khai với chi phí và sản lượng không còn chênh lệch nhiều so với canh tác truyền thống. Người ta gọi đây là một trào lưu hồi sinh sa mạc.
Giữa sa mạc khô cằn, màu xanh nay đã hiện lên trên mảnh đất của ông Abdulrahman Al Shamsi. 16 ha sa mạc nay đã trở thành một nông trang với đủ loại cây trồng, từ ngô, dưa hấu, bí ngòi cho đến các loại rau thơm.
Ông Abdulrahman Al Shamsi - chủ trang trại - nói: "Ngay cả vào mùa nóng nhất trên sa mạc, tôi vẫn canh tác được. Mùa vụ bắt đầu từ tháng 8, liên tục đến tháng 7 năm sau. Không cần dùng tới nhà kính hay công nghệ gì phức tạp. Tất cả đều có thể canh tác trên những cánh đồng như thế này".
Thành công của ông Abdulrahman dựa trên một mô hình khép kín nuôi trồng thủy sản kết hợp canh tác nông nghiệp. Nước được lọc từ nước biển để đưa vào nuôi thủy sản. Nước thải sau đó sẽ được chuyển sang nuôi bèo hoa dâu. Vừa làm thức ăn chăn nuôi, bèo hoa dâu lại có tác dụng tinh lọc nước, hấp thụ amoniac và các kim loại nặng. Nước vì thế lại có thể tái sử dụng để tưới cho cây trồng.
Ông Abdulrahman Al Shamsi cho biết: "Nước lúc này sẽ rất giàu phosphor và các chất dinh dưỡng. Cây trồng không còn cần bón thêm gì nữa. Đồng thời, nước tưới trải qua các quy trình như vậy cũng là một cách để được làm mát. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 45°C, khi tưới nước này, nhiệt độ cây trồng sẽ chỉ còn khoảng 25°C".
Đối với hồi sinh sa mạc, bài toán khó nhất là nước. Những mạch nước ngầm có thể tìm thấy, nhưng đa phần đều nhiễm mặn. Tuy nhiên, hiện nhiều trang trại đã bắt đầu triển khai hệ thống lọc mặn nước bằng năng lượng mặt trời với chi phí thấp hơn nhiều so với hệ thống lọc nước biển bằng khí đốt hay dầu hiện nay.
Ông Saeed Alhassan Alkhazraji - thuộc công ty xử lý nước Manhat, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - thông tin: "Thiết bị đằng sau lưng tôi đây dựa vào cơ chế sử dụng bức xạ mặt trời làm nước mặn bốc hơi. Hơi nước sẽ được dẫn vào bên trong thiết bị. Đến khi đêm xuống, nhiệt độ giảm, nước sẽ ngưng tụ tự nhiên và chảy vào bể chứa. Chúng ta thu được nước ngọt tinh khiết. Hiện chúng tôi đã có thể thu được 5 lít nước ngọt mỗi ngày từ 1 m2 nước mặn trong bể chứa như thế này".
Được thưởng thức những món ăn được lấy trực tiếp từ đồng ruộng cho tới thẳng bàn ăn một thời đã từng được xem là ước mơ của những người dân sa mạc. Tuy nhiên, giờ đây, nhiều mảnh đất sa mạc còn đang ấp ủ những dự án lớn hơn thế - đó là biến mình thành những trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thế giới. Nguyên nhân là do đất đai sa mạc về thực chất vẫn còn khá tinh khiết, chưa bị nhiễm độc bởi các hóa chất trong trồng trọt hay chăn nuôi.
Nông nghiệp trên sa mạc tại UAE bangdatally.xyz - Những dự án nông nghiệp táo bạo đã và đang được phát triển tại UAE. Một trong số đó, là ý tưởng nuôi trồng thủy sản trên sa mạc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!