Những tác động tích cực và tiêu cực từ "liệu pháp thuế" của ông Trump

PV (t/h)-Thứ tư, ngày 19/03/2025 05:45 GMT+7

Chính sách thuế của Tổng thống Trump gây ra không ít

bangdatally.xyz - Chính sách thuế của Tổng thống Trump còn gây ra không ít "tác dụng phụ" ảnh hưởng tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân Mỹ.

Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy một loạt chính sách thuế quan mạnh mẽ theo chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" với mục tiêu điều chỉnh cán cân thương mại có lợi cho Mỹ, bảo vệ sản xuất trong nước, đồng thời sử dụng "liệu pháp thuế" như một công cụ đàm phán. Tuy nhiên, có nhiều phân tích chỉ ra rằng bên cạnh những lợi ích cho Mỹ, chính sách thuế của Tổng thống Trump còn gây ra không ít "tác dụng phụ" ảnh hưởng tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân Mỹ.

Trước mắt, các biện pháp thuế quan đang áp dụng đã mang lại những lợi ích nhất định cho nước Mỹ. Trong một số ngành sản xuất, chẳng hạn như thép và nhôm, thuế quan đối với các quốc gia nhập khẩu có khả năng thúc đẩy một số việc làm và đầu tư vào những ngành công nghiệp đó ở Mỹ. Rào cản thuế quan cao có thể buộc một số công ty toàn cầu phải di dời cơ sở sản xuất ở nước ngoài sang Mỹ. Về ngắn hạn, điều này có thể làm tăng sản lượng sản xuất trong nước và tạo ra việc làm trong một số ngành sản xuất được bảo hộ của Mỹ.

Thuế quan cũng có tác dụng tăng nguồn thu thuế cho Chính phủ Mỹ. Theo phân tích của Tax Foundation - một viện nghiên cứu chính sách thuế của Mỹ, nếu việc áp thuế được thực hiện theo kế hoạch, Mỹ có thể chứng kiến mức tăng thuế lên tới 1.100 tỷ USD từ năm nay đến năm 2034. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia sẽ nhượng bộ để tránh đối đấu với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan.

Những tác động tích cực và tiêu cực từ liệu pháp thuế của ông Trump - Ảnh 1.

Thuế quan mới sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, tăng gánh nặng cho người tiêu dùng dẫn tới tăng lạm phát - Ảnh: AFP

Giới chuyên gia khẳng định chính sách thuế quan của Tổng thống Trump về lâu dài có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, bao gồm làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, tăng giá cả, tăng gánh nặng cho người tiêu dùng, giảm thương mại, giảm việc làm, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp và giảm đầu tư. Những yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau và có thể gây ra tác động tiêu cực kép đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Ông Warwick McKibbin, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, phân tích rằng nếu áp dụng mức thuế 25% đối với Mexico và Canada, GDP của Mỹ sẽ giảm 200 tỷ USD trong 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Báo cáo cũng ước tính điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của Mỹ khoảng 0,2% mỗi năm từ năm 2026 - 2029.

Tác động đối với ngành sản xuất và công nghiệp Mỹ được dự báo sẽ rất phức tạp. Giới doanh nghiệp Mỹ cảnh báo sự bất ổn do các mối đe dọa áp thuế và chính sách thương mại thay đổi của Tổng thống Trump đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu từ hàng hóa thiết yếu đến du lịch, nguy cơ dẫn đến mất việc làm trong các ngành.

Không chỉ doanh nghiệp, các mức thuế dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng Mỹ. Từ thực phẩm đóng hộp, bia, nước ngọt đến ô tô và nhiều sản phẩm khác, thép và nhôm xuất hiện trong vô số mặt hàng tiêu dùng. Phần lớn nguyên liệu này được nhập khẩu, đồng nghĩa với việc các công ty có thể chuyển chi phí thuế quan sang người mua hàng tại Mỹ. 

Trong đó, vòng xung đột thuế quan mới sẽ có tác động đáng kể đến ngành ô tô của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu phụ tùng từ Canada và Mexico. Giới chuyên gia dự đoán giá ô tô sẽ tăng và duy trì ở mức cao trong một thời gian. Chi phí có thể tăng tới 3.000 USD cho mỗi xe, trong khi giá trung bình của một chiếc xe mới năm ngoái là 48.000 USD. Ngoài ra, giá rau và trái cây, vốn chủ yếu được nhập khẩu từ Mexico, sẽ tăng.

Theo đó, thuế quan mới sẽ làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu, tăng gánh nặng cho người tiêu dùng dẫn tới tăng lạm phát. Tiến sỹ Ihsan Alkhatib, Giáo sư Đại học Murray State lo ngại nếu Mỹ áp thuế 25%, điều xảy ra là các nhà sản xuất ở Mỹ sẽ giảm khả năng cạnh tranh, cộng thêm việc chi phí sản xuất cao hơn sẽ đẩy giá tiêu dùng tăng theo, và cuối cùng, chính người Mỹ sẽ phải chi nhiều tiền hơn.

Các chuyên gia nhận định một điều đang bắt đầu trở nên rõ ràng hơn là cuộc chiến thương mại lần thứ hai có thể sẽ khắc nghiệt hơn nhiều. Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty kiểm toán KPMG, cảnh báo căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang có thể đẩy nền kinh tế Mỹ đến bờ vực suy thoái nghiêm trọng, với nguy cơ cao xuất hiện đình lạm (lạm phát cao và suy thoái kinh tế đồng thời), tương tự như những gì đã xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái và những năm 1970.

Mức độ tác động tích cực và tiêu cực từ "liệu pháp thuế" mà ông Trump đang áp dụng có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành nào phải chịu thuế, mức thuế suất là bao nhiêu và phản ứng của các quốc gia khác. Tuy nhiên, phân tích của nhiều chuyên gia và tổ chức cho thấy khó có thể nói rằng chính sách áp thuế của Tổng thống Trump đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước