Biển báo cảnh báo về sự xuất hiện thường xuyên của gấu ở Tono, tỉnh Iwate, Nhật Bản (Ảnh: Jiji)
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số vụ gấu tấn công con người gia tăng đột biến, gây lo ngại lớn về an toàn công cộng.
Bộ Môi trường Nhật Bản vào ngày 21/2 đã đề xuất sửa đổi luật bảo vệ và quản lý động vật hoang dã, trong đó cho phép bắn hạ khẩn cấp gấu hoang sau khi nhận được nhiều khiếu nại rằng thợ săn không thể ngăn gấu xâm nhập khu dân cư do các quy định hành chính.
Năm 2024, Nhật Bản ghi nhận 219 trường hợp con người bị gấu tấn công, khiến 6 người thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ những thay đổi trong môi trường sống của loài gấu, thiếu thức ăn tự nhiên, khiến chúng phải vào các khu dân cư để tìm thức ăn. Bên cạnh đó, việc các khu dân cư hoang vắng do suy giảm dân số vì xã hội già hóa, khiến gấu thường xuyên mò vào đô thị hơn.
Gấu được phát hiện ngày càng thường xuyên ở các khu dân cư tại nhiều khu vực của Nhật Bản (Ảnh: Asahi Shimbun)
Tình trạng dân số già và hiện tượng suy giảm dân cư đã làm giảm sự hiện diện của con người ở những nơi vốn là rào cản tự nhiên, ngăn gấu tiếp cận khu dân cư. Điều này buộc Nhật Bản phải đề xuất sửa đổi luật bảo vệ và quản lý động vật hoang dã, cho phép thực hiện các vụ bắn hạ khẩn cấp đối với gấu trong khu dân cư. Trước đây, thợ săn phải chờ sự chấp thuận từ cảnh sát trước khi có thể hành động, ngay cả khi gấu đã xâm nhập vào khu dân cư.
Luật pháp Nhật Bản hiện cấm bắn động vật hoang dã như gấu hoặc lợn rừng ở khu dân cư. Kể cả khi gấu xuất hiện trong khu vực đông dân, thợ săn cũng không được phép bắn nếu không được cảnh sát cho phép. Cảnh sát cũng chỉ được phép nổ súng trong tình huống cực kỳ nguy cấp, như một người sắp bị gấu tấn công.
Một con gấu từng xông vào một siêu thị ở miền bắc Nhật Bản trong hai ngày, làm một người đàn ông 47 tuổi bị thương, phá quầy thịt trước khi bị dụ ra ngoài bằng đồ ăn tẩm mật ong vào tháng 12/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!