Nhà Trắng đã yêu cầu các Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ soạn thảo danh sách các lệnh trừng phạt Nga có thể được nới lỏng. Sau đó, giới chức Mỹ sẽ thảo luận với đại diện của Nga trong những ngày tới như một phần trong các cuộc đàm phán rộng rãi về việc cải thiện quan hệ ngoại giao và kinh tế của Washington và Moscow.
Các cơ quan chức năng Mỹ hiện đang lập đề xuất về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một số thực thể và cá nhân được chọn - bao gồm một số nhà tài phiệt Nga.
Trong một văn bản gần đây, Nhà Trắng nhấn mạnh thiện chí của Tổng thống Trump và các cố vấn của ông trong việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga như một phần của thỏa thuận tiềm năng với Moscow.
Nga là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Và nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hệ thống năng lượng của Nga được nới lỏng, điều này có thể giúp ngăn chặn giá nhiên liệu tăng trong trường hợp Mỹ hạn chế việc xuất khẩu dầu từ Iran - một thành viên của OPEC.
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính Mỹ và Đại sứ quán Nga tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tổng thống Trump (phải) và Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7/2017 (Ảnh: AP)
Năm 2024, Điện Kremlin đã mô tả mối quan hệ Nga - Mỹ là "dưới mức 0" dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden. Chính quyền Biden đã hỗ trợ Ukraine bằng những khoản viện trợ, cung cấp vũ khí và áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự toàn diện của Moscow ở Ukraine vào năm 2022.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump - người đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga - Ukraine - đã nhanh chóng đảo ngược chính sách trước đây để mở các cuộc đàm phán với Moscow. Theo đó, Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, sau đó là các cuộc thảo luận giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022 bao gồm các biện pháp nhằm hạn chế doanh thu từ ngành công nghiệp dầu khí khổng lồ của Moscow và làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của nước này.
Các chính phủ phương Tây do Washington đứng đầu đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu của Nga. Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó Biden vào ngày 10/1 cũng chỉ định những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay của Washington lên các công ty năng lượng và tàu chở dầu của Nga, ngay trước khi rời nhiệm sở.
Vào tháng 1, ông Trump đã đe dọa sẽ tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu ông Putin không muốn đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, gần đây hơn, các quan chức chính quyền Trump đã công khai thừa nhận khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg Television vào ngày 20/2 rằng Nga có thể nhận được những biện pháp cứu trợ kinh tế, tùy thuộc vào cách nước này tiếp cận các cuộc đàm phán trong những tuần tới. Ông Trump nói với các phóng viên vào ngày 26/2 rằng các lệnh trừng phạt Nga có thể được nới lỏng "vào một thời điểm nào đó".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!