Tấm bản đồ mô tả "Vịnh Mỹ" phía sau Tổng thống Donald Trump trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard, tại Phòng Bầu dục, ngày 12/2/2025. (Ảnh: Getty Images)
AP, một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới, đã bị Nhà Trắng chỉ trích vào đầu tuần này chỉ vì hai từ: "Vịnh Mexico".
Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố vào tháng trước rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ đổi tên vùng nước này thành "Vịnh Mỹ". Sự thay đổi đã có hiệu lực tại các cơ quan chính phủ Mỹ. Nhưng nhiều quốc gia khác không công nhận tên mới này và AP có khách hàng trên toàn thế giới, vì vậy hãng vẫn dùng tên gọi "Vịnh Mexico", trong khi vẫn thừa nhận sắc lệnh của ông Trump.
Trong một động thái phản ứng mạnh mẽ, Nhà Trắng đã chỉ trích AP và cấm nhà báo của hãng này tham gia các sự kiện của Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, các phóng viên ảnh của AP vẫn được phép tham dự.
Ngay trước khi ông Trump rời Nhà Trắng đến khu dinh thự Mar-a-Lago hôm 14/2, chính quyền Mỹ đã xác nhận rằng phóng viên AP cũng sẽ không được phép bước lên Không lực Một trong chuyến đi này.
Trong một tuyên bố trên X, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Taylor Budowich đã nhắc đến việc tranh chấp ở Vịnh Mỹ, nói rằng quyết định của AP "không chỉ gây chia rẽ mà còn phơi bày việc tiếp tay của Associated Press đối với thông tin sai lệch".
Google maps hiển thị tên Vịnh Mỹ cho người dùng Hoa Kỳ (Ảnh: Getty Images)
Ông Budowich viết: "Mặc dù quyền đưa tin vô trách nhiệm và không trung thực của AP được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất, nhưng nó không đảm bảo đặc quyền của họ được tiếp cận trong những không gian hạn chế, như Phòng Bầu dục và Không lực Một, mặc dù trong tương lai, không gian đó có thể sẽ được mở ra cho hàng nghìn phóng viên đã bị cấm đưa tin về những khu vực riêng tư này". Nhưng ông Budowich cho biết các nhà báo của AP sẽ vẫn được cấp giấy phép vào khuôn viên Nhà Trắng.
Việc Nhà Trắng ngăn AP tham gia những sự kiện được gọi là "gộp chung", chẳng hạn như các chuyến bay của Không lực Một, sẽ cản trở khả năng thực hiện công việc tác nghiệp của hãng tin này.
Hãng thông tấn AP gắn bó với hoạt động của Nhà Trắng từ lâu, từng góp phần thành lập nhóm báo chí chuyên trách luôn đi theo tổng thống Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong nhóm này. Theo AP, khái niệm "nhóm phóng viên chuyên trách Nhà Trắng" được biết tới lần đầu vào năm 1881, sau vụ cựu tổng thống James A. Garfield bị bắn.
"Khi ông Garfield nằm trên giường bệnh, phóng viên Franklin Trusdell của AP đã túc trực bên ngoài, lắng nghe và chia sẻ thông tin cho các phóng viên khác", hãng cho biết hồi tuần này.
Các phóng viên tác nghiệp trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 11/2. (Ảnh: AP)
AP đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về tuyên bố của Nhà Trắng.
Dịch vụ thông tấn hàng đầu thế giới này đã nhiều lần ám chỉ rằng họ đang chuẩn bị cho một thách thức pháp lý.
Tuy nhiên, WHCA - đại diện cho đoàn báo chí, cho biết hành động chống lại AP "là hành vi vi phạm nghiêm trọng không chỉ Tu chính án thứ nhất mà còn vi phạm lệnh hành pháp của chính Tổng thống về quyền tự do ngôn luận và chấm dứt kiểm duyệt liên bang".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!