Nước được phân phối tại Đại học Hồi giáo ở Thành phố Gaza, nơi hiện là nơi trú ẩn cho những người Palestine phải di dời trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Gaza, ngày 6/4/2025. (Ảnh: AP)
Chính quyền thành phố Gaza cho biết, hàng trăm nghìn cư dân tại đây đã mất đi nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu sau khi tuyến đường ống dẫn nước từ công ty cấp nước quốc gia Israel - Mekorot - bị hư hại do các đợt tấn công quân sự mới của Tel Aviv trong tuần qua.
Tuyến đường ống này vốn cung cấp tới 70% lượng nước cho thành phố Gaza, nhất là sau khi phần lớn các giếng nước trong khu vực bị phá hủy từ đầu cuộc xung đột. Người dân hiện phải đi bộ nhiều cây số để tìm kiếm nguồn nước ít ỏi từ một số giếng còn hoạt động, dù chất lượng không được đảm bảo.
"Tôi đã chờ nước từ sáng. Không có trạm cấp nước, không có xe chở nước. Không có gì cả", bà Faten Nassar, 42 tuổi, nói trong tuyệt vọng. "Các cửa khẩu đều đóng. Chỉ mong chiến tranh kết thúc trong hòa bình".
Người phát ngôn thành phố, ông Husni Mhana, cho biết Gaza đang sống trong một cuộc "khủng hoảng khát nước thực sự". Ông cảnh báo tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu không có biện pháp khẩn cấp: "Chúng tôi thiếu nước không chỉ để uống, mà còn để nấu ăn, tắm rửa, khử trùng".
Khủng hoảng nước sạch tại Gaza trở nên trầm trọng hơn kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023. Giao tranh khiến hơn 50.800 người Palestine thiệt mạng, theo Bộ Y tế Gaza và hơn 1.200 người Israel tử vong trong cuộc tấn công ban đầu, theo số liệu của Tel Aviv.
Những người Palestine phải di dời đang đi lấy nước ở Jabaliya, Dải Gaza, ngày 31/3/2025. (Ảnh: AP)
Gaza hiện có khoảng 2,3 triệu dân, phần lớn đã trở thành người tị nạn nội địa. Trong tình trạng thiếu điện, nhiên liệu và hạ tầng bị phá hủy, người dân phải xếp hàng nhiều giờ để lấy vài lít nước – vốn không đủ dùng trong ngày.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức nước tối thiểu cần thiết trong tình huống khẩn cấp là 15 lít mỗi người mỗi ngày. Tuy nhiên, người dân Gaza hiện chỉ nhận được khoảng 3–5 lít mỗi ngày.
Nguồn nước ngầm duy nhất tại Dải Gaza – lưu vực ven biển Địa Trung Hải – hiện bị khai thác quá mức, nhiễm mặn và ô nhiễm nặng, khiến 97% lượng nước không đạt tiêu chuẩn sử dụng.
Trong một báo cáo ngày 22/3 vừa qua, Cục Thống kê Palestine và Cơ quan Nước Palestine cho biết hơn 85% cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh tại Gaza đã hư hỏng hoàn toàn hoặc một phần. Các nhà máy khử mặn phần lớn đã ngừng hoạt động do thiếu điện và nhiên liệu, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh và suy dinh dưỡng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!