Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga)
Ngày 15/4, trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định việc thống nhất các nội dung then chốt nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình với Mỹ về vấn đề Ukraine - là "không dễ dàng". Ông cho biết các nội dung này hiện vẫn đang được thảo luận giữa hai bên.
"Chúng tôi hiểu rất rõ một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi sẽ như thế nào – điều mà chúng tôi chưa bao giờ bác bỏ – và đâu là những điều khoản có thể đẩy chúng tôi vào một cái bẫy khác", ông Lavrov nói.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh mong muốn chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm tại Ukraine. Tuy nhiên, đến thơi điểm hiện tại, vẫn chưa có một thỏa thuận nào được ký kết.
Điện Kremlin hôm 14/4 cho biết còn quá sớm để kỳ vọng vào những kết quả rõ ràng từ việc khôi phục quan hệ bình thường với Washington.
Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi tháng 6/2024, yêu cầu Ukraine chính thức từ bỏ mong muốn gia nhập NATO và rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ thuộc bốn vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập. Tuy nhiên, những tuyên bố này không được phần lớn các quốc gia trên thế giới công nhận.
"Chúng tôi đang nói về quyền của những người dân sinh sống tại những vùng đất này. Chính vì vậy, chúng rất có ý nghĩa với chúng tôi và Nga không thể từ bỏ chúng hay để người dân bị đẩy khỏi nơi ở của họ", ông Lavrov nhấn mạnh.
Khói bốc lên từ vụ nổ sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào thành phố Sumy, Ukraine, ngày 13/4/2025. (Ảnh: AP)
Hiện Nga kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea – sáp nhập từ năm 2014 – và một phần các vùng khác mà Moscow tuyên bố là lãnh thổ của Nga.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Lavrov cũng đánh giá cao quan điểm của ông Trump khi cho rằng việc Mỹ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh giới tinh hoa chính trị Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào khiến họ bị phụ thuộc vào phương Tây về kinh tế, quân sự, công nghệ hoặc nông nghiệp...
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin luôn xem xung đột tại Ukraine là một phần trong cuộc đối đầu với phương Tây, mà theo ông là đã làm Moscow tổn thương sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, bằng việc mở rộng NATO về phía Đông – điều mà Điện Kremlin xem là "xâm phạm phạm vi ảnh hưởng của mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!