Theo Financial Times (FT), bài thuyết trình bị rò rỉ do Thủ tướng Mikhail Mishustin chủ trì hồi tháng 4/2024, mô tả các kế hoạch dài hạn nhằm cạnh tranh với các khối hiện có và củng cố ảnh hưởng đối với các quốc gia hậu Xô Viết và Nam Bán cầu, rằng Nga có ý định thiết lập trật tự thế giới mới thông qua một khối thương mại có khả năng đối trọng với những nước lớn, bao gồm cả EU. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự toàn diện tại Ukraine đã cản trở tầm nhìn đó.
Báo cáo cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến các đồng minh cũ của Điện Kremlin rời xa tầm kiểm soát của mình.
Mở rộng phạm vi và tư cách thành viên BRICS
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, nâng cấp lên Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009.
Tháng 10/2024, gần ba năm sau khi xung đột ở Ukraine, Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Năm 2010, BRICS kết nạp thêm Nam Phi và từ 1/1/2024 kết nạp thêm các thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Trong 20 năm qua, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Kể từ lần mở rộng mang tính bước ngoặt của nhóm BRICS vào tháng 1/2024, ngày càng nhiều quốc gia mong muốn được trở thành một phần của nhóm này. Mặc dù ban đầu tập trung chủ yếu vào các vấn đề kinh tế, song BRICS dường như ngày càng có yếu tố địa chính trị.
FT dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết mục tiêu của Moscow hiện nay là "tăng cường và củng cố vai trò cũng như sức mạnh của BRICS, như một trọng tâm cho các quốc gia muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập".
Tạo ra ‘Vùng vĩ mô’ do Moscow lãnh đạo
Theo FT, Nga đang tìm cách tạo ra một "vùng vĩ mô" Á-Âu do Moscow lãnh đạo, tập trung vào thương mại để khôi phục lại ảnh hưởng toàn cầu của mình, kết nối Nam bán cầu bằng cách cấp cho mỗi bên quyền tiếp cận nguyên liệu thô, cũng như phát triển các mối quan hệ tài chính và vận tải.
"Vùng vĩ mô này được hình dung cũng sẽ có một yếu tố ý thức hệ, chia sẻ một quan điểm chung về thế giới, nơi chúng ta có luật lệ cho thế giới mới", báo cáo được cho là nêu rõ.
Theo tầm nhìn của Điện Kremlin, "vùng vĩ mô" này cuối cùng sẽ đối trọng các khối kinh tế khác, bao gồm khối của Mỹ, EU và Trung Quốc.
Các lực lượng phương Tây không ngừng bao vây về mặt chính trị và kinh tế đối với Nga, đặc biệt sau khi nổ ra xung đột Ukraine. (Ảnh: AFP)
Những rào cản phát sinh từ lệnh trừng phạt
Điện Kremlin cũng thừa nhận ảnh hưởng của mình đang suy yếu trong không gian hậu Xô Viết, một phần là do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Bài thuyết trình khẳng định rằng phương Tây vừa ép buộc vừa thúc đẩy các quốc gia Trung Á - hầu hết từng là một phần của Liên Xô - tránh xa ảnh hưởng của Nga.
Theo bài thuyết trình, các biện pháp kiềm chế ảnh hưởng của Nga bao gồm tiếp cận thị trường toàn cầu, hành lang vận tải và chuỗi cung ứng bỏ qua Moscow để khuyến khích họ tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngoài ra, bài thuyết trình khẳng định rằng các quốc gia đã sử dụng các lệnh trừng phạt làm đòn bẩy để yêu cầu các điều kiện tốt hơn từ Moscow.
Tổng thống Trump nói đã điện đàm với ông Putin để thảo luận về chấm dứt xung đột, tiết lộ thêm rằng Tổng thống Nga muốn "ngừng chết chóc" trên chiến trường. (Ảnh: AP)
"Các đồng minh của Nga đã hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt bằng cách đẩy các doanh nghiệp Nga ra khỏi phạm vi quyền hạn của họ, kiểm soát luồng xuất nhập khẩu và di dời sản xuất khỏi Nga. Báo cáo cũng nói thêm rằng các quốc gia Trung Á đã tìm kiếm thêm hoa hồng để bù đắp cho rủi ro vi phạm lệnh trừng phạt", FT cho biết.
Bài viết của FT còn nhấn mạnh rằng nước láng giềng Belarus, là một trong số ít ví dụ thành công về những nỗ lực mà Moscow đang thực hiện, khi tạo ra một liên minh được thúc đẩy một phần bởi sự cô lập của chính Minsk trước phương Tây.
Armenia, một trong những đồng minh cũ của Moscow, đã tuyên bố rút khỏi liên minh quân sự do Moscow đứng đầu - Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), vào tháng 6/2024. Năm nay, Armenia đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược với Mỹ, với các điều khoản nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và phát triển xã hội.
Kazakhstan cũng lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, như một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga đang suy giảm - FT dẫn chứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!