Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Dion George cho biết nạn săn trộm tê giác tại nước này đã giảm 16% trong năm 2024, với 420 con tê giác bị giết để lấy sừng, giảm so với 499 con của năm 2023.
Trong số những con tê giác bị săn trộm, 320 con bị giết tại các khu vực do nhà nước quản lý, bao gồm công viên quốc gia, trong khi 100 con bị săn trộm tại các khu bảo tồn tư nhân và trang trại. Theo Bộ trưởng George, một trong những biện pháp giúp giảm thiểu tình trạng này là chương trình cắt sừng tê giác tại tỉnh KwaZulu-Natal, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn săn trộm.
Một cá thể tê giác tại Vườn Quốc gia Kruger Park, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)
Chính quyền Nam Phi cũng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ như sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra nhân viên kiểm lâm tại các điểm nóng săn trộm, bao gồm Công viên quốc gia Kruger và Công viên Hluhluwe-iMfolozi. Năm 2024, hai nhân viên kiểm lâm tại Kruger đã bị kỷ luật do có hành vi tiếp tay cho tội phạm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng George cũng bày tỏ lo ngại trước việc số lượng tê giác bị giết tại Công viên Kruger đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Đáng chú ý, ngay cả những con tê giác đã bị cắt sừng cũng trở thành mục tiêu của những kẻ săn trộm, do phần gốc sừng còn lại vẫn có giá trị cao trên thị trường chợ đen.
Nam Phi hiện là nơi sinh sống của gần một nửa số tê giác đen đang bị đe dọa nghiêm trọng tại châu Phi và là quốc gia có quần thể tê giác trắng lớn nhất thế giới. Giá trị cao của sừng tê giác trên thị trường bất hợp pháp tiếp tục là nguyên nhân chính khiến các tổ chức tội phạm săn trộm và buôn bán mặt hàng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!