Hai trong số những cổ vật được Mỹ trao trả cho Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)
Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), ngày 4/3, Văn phòng Công tố Quận Manhattan ở New York (Mỹ) đã bàn giao các vật phẩm này cho Cục quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc.
Những hiện vật lâu đời nhất có niên đại từ thời kỳ đồ đá mới (khoảng 10.000 TCN - 1700 TCN) trong khi những hiện vật mới nhất có niên đại từ thời nhà Thanh (1644 - 1911). Chúng bao gồm đồ gốm, ngọc bích, đồ đồng và các đồ vật liên quan đến Phật giáo Tây Tạng.
CCTV cho biết 41 cổ vật này đã bị "xuất khẩu trái phép từ Trung Quốc".
Theo thông tin, 41 cổ vật này đã bị tịch thu trong khi xử lý các vụ án liên quan. Sau đó, chính quyền Manhattan đã phối hợp với lãnh sự quán Trung Quốc tại New York để làm thủ tục hồi hương.
Theo Viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, hơn 10 triệu hiện vật của Trung Quốc đã bị thất lạc ở nước ngoài kể từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu là do nạn trộm cắp trong chiến tranh và buôn lậu bất hợp pháp.
Một trong những món cổ vật Trung Quốc đang lưu lạc trên thế giới. (Ảnh: AFP)
Trung Quốc và Mỹ lần đầu tiên ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm hạn chế nhập khẩu trái phép các mặt hàng văn hóa Trung Quốc vào năm 2009. Biên bản ghi nhớ này đã được gia hạn ba lần, vào năm 2014, 2019 và 2024.
Theo CCTV, kể từ khi thỏa thuận được ký kết lần đầu, 594 hiện vật đã được trả lại cho Trung Quốc.
Vào tháng 4/2024, Mỹ đã trả lại 38 hiện vật văn hóa cho Trung Quốc theo thỏa thuận, chủ yếu có niên đại từ thời nhà Nguyên (1279 - 1368) đến nhà Thanh. Chúng bao gồm ngà voi và đồ chạm khắc gỗ quý hiếm và các mảnh tranh tường.
Lô cổ vật lớn nhất được hồi hương từ Mỹ về Trung Quốc diễn ra vào năm 2019, khi có 361 hiện vật văn hóa được thu hồi. Tuy nhiên, nạn cướp bóc và buôn lậu trái phép các hiện vật, đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật vẫn là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc.
Theo số liệu chính thức, từ năm 2011 đến năm 2021, có tới 358 cổ vật của Trung Quốc đã bị đánh cắp hoặc thất lạc, phần lớn bị lấy từ Tây Tạng, Hồi Ninh Hạ, Thiểm Tây và Hà Nam.
Theo Viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, hơn 10 triệu món cổ vật Trung Quốc đã bị thất lạc đến Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất năm 1840.
Để tìm lại và đưa chúng về với quê hương, chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Bên cạnh nỗ lực của chính phủ, người dân Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới cũng ý thức về việc hồi hương cổ vật. Không chỉ tham gia các cuộc đấu giá lớn và nổi tiếng, nhiều người dân tập trung tìm mua cổ vật ở các chợ đồ cổ và tặng lại cho các bảo tàng ở quê hương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!