Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự, châu Âu đưa ra quan điểm bước ngoặt trong dài hạn

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/03/2025 11:40 GMT+7

bangdatally.xyz - Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, đây là thông tin bất ngờ và gây nhiều bàn luận nhất trong ngày 4/3.

Động thái này chẳng khác gì gây sức ép cho Ukraine, làm dấy lên làn sóng lo ngại trong các đối tác và đồng minh của Mỹ.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra sau tuyên bố của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng "thỏa thuận hòa bình với Nga vẫn còn rất xa vời". Việc mất đi viện trợ quân sự từ Mỹ không chỉ đặt Ukraine vào thế khó trước sức ép kép từ Moscow và Washington mà còn thổi bùng tranh cãi về vai trò của Mỹ trong cục diện an ninh châu Âu.

Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine

Tin tức hàng đầu trong các bản tin truyền hình sáng 4/3 của Kiev là quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Người dẫn chương trình Lilia Nahayaka nói: "Viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine đã bị đình chỉ. CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau bất đồng giữa hai bên tại Nhà Trắng".

Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tạm dừng mọi viện trợ quân sự hiện tại cho Ukraine, cho đến khi ghi nhận giới lãnh đạo nước này thể hiện cam kết thiện chí đối với hòa bình.

Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự, châu Âu đưa ra quan điểm bước ngoặt trong dài hạn - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP / Getty Images)

Tất cả các chuyến hàng vận chuyển thiết bị quân sự Mỹ đến Ukraine sẽ bị tạm dừng - bao gồm cả vũ khí đang được vận chuyển bằng máy bay, tàu hoặc đang quá cảnh tại Ba Lan.

Ông Marco Duranti - giảng viên cao cấp về Lịch sử hiện đại châu Âu và cuốc tế tại Đại học Sydney - phân tích: "Hậu quả từ quyết định này là cực kỳ nghiêm trọng, bởi Mỹ đóng góp gần một nửa tổng viện trợ quốc tế dành cho Ukraine, chỉ ít hơn một chút so với tổng viện trợ từ châu Âu và các thể chế EU. Nếu chỉ xét riêng ngân sách quân sự, Mỹ đã chi gấp đôi châu Âu, chưa kể hỗ trợ tình báo quan trọng. Tác động lên Ukraine sẽ là khủng khiếp. Tôi không thấy kịch bản nào trong đó Tổng thống Zelenskiy có thể duy trì lập trường hiện tại mà không nhượng bộ Mỹ".

Trước động thái của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí tăng ngân sách quốc phòng để chứng minh khả năng tự bảo vệ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu: "Chúng ta đang ở trong thời đại tái vũ trang. Và châu Âu sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, không chỉ để ứng phó khẩn cấp ngắn hạn và hỗ trợ Ukraine mà còn đáp ứng nhu cầu dài hạn trong việc tự chủ về an ninh".

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen, kế hoạch mới của EU nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và nâng cao năng lực quân sự có thể huy động gần 800 tỷ Euro.

Khả năng châu Âu bù đắp năng lực quân sự cho Ukraine

Quyết định ngưng viện trợ vũ khí ảnh hưởng thế nào đến năng lực quân sự của Ukraine và liệu phía Liên minh châu Âu có đủ khả năng bù đắp?

Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự, châu Âu đưa ra quan điểm bước ngoặt trong dài hạn - Ảnh 2.

(Ảnh: Global Images Ukraine / Getty Images)

Cùng là viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng tính chất các khoản viện trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu rất khác biệt. Viện trợ của Mỹ bao gồm hơn 50% là vũ khí và phần còn lại là viện trợ tài chính, giúp nền kinh tế Ukraine không sụp đổ. Còn viện trợ từ Liên minh châu Âu không bao gồm vũ khí, mà một nửa là viện trợ tài chính. Và nửa còn lại là viện trợ nhân đạo - bao gồm hỗ trợ xây dựng cơ sở trú ẩn, chăn màn quần áo, lương thực thực phẩm, thuốc men y tế và an toàn cho trẻ em trong trường học…

Một số nước châu Âu đã viện trợ vũ khí cho Ukraine, đứng đầu là Đức và Anh. Như vậy, nếu Mỹ ngừng viện trợ vũ khí, kể cả khi các nước châu Âu gộp lại cũng không thể bù đắp được.

Tác động tới quan điểm phòng thủ của châu Âu

Đó là việc hỗ trợ Ukraine về ngắn hạn. Còn về dài hạn, động thái gây sức ép mới nhất từ Washington cũng tác động tới quan điểm phòng thủ của Liên minh châu Âu.

Kế hoạch được công bố vào sáng 4/3 có quy mô rất lớn, cho thấy bước ngoặt trong quan điểm dài hạn của Liên minh châu Âu. Theo đó, không còn có thể trông đợi vào liên minh quân sự NATO hay lá chắn hạt nhân của Mỹ. 800 tỷ Euro được công bố sáng 4/3 sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng công nghiệp quốc phòng tự chủ của mỗi nước thành viên Liên minh châu Âu.

Môt hướng đi nữa nhằm tự chủ về quốc phòng trong trường hợp không còn lá chắn hạt nhân của Mỹ là thuyết phục Pháp và Anh - hai nước có vũ khí hạt nhân - đứng ra bảo đảm an ninh cho toàn bộ Liên minh châu Âu. Theo đó, Pháp và Anh sẽ cam kết dùng vũ khí hạt nhân để răn đe trong trường hợp một nước thành viên Liên minh châu Âu bị đe dọa tấn công.

Quyết định ngừng viện trợ vũ khí từ Mỹ đặt Ukraine vào thế khó quân sự khi khoảng một nửa nguồn lực chiến đấu của nước này phụ thuộc vào Washington. Sự hỗ trợ của các nước châu Âu chỉ là giải pháp tình thế. Về dài hạn, động thái của Mỹ buộc EU phải thay đổi tư duy. Kế hoạch 800 tỷ Euro đầu tư vào công nghiệp quốc phòng tự chủ và thảo luận về lá chắn hạt nhân châu Âu cho thấy EU đang nỗ lực tìm giải pháp để không còn phụ thuộc vào việc đảm bảo quân sự từ Mỹ.

Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau "màn đấu khẩu" căng thẳng tại Nhà Trắng Tổng thống Trump dừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau 'màn đấu khẩu' căng thẳng tại Nhà Trắng Châu Âu tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine Châu Âu tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine Châu Âu bất đồng tìm giải pháp cho xung đột Ukraine Châu Âu bất đồng tìm giải pháp cho xung đột Ukraine

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước