Mỹ đã rút khỏi Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) - cơ chế tài chính khí hậu giúp các nước đang phát triển giảm phụ thuộc vào điện than.
Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là cơ chế tài chính khí hậu 10 nước giàu có hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi từ điện than sang nguồn năng lượng sạch hơn. Sáng kiến này lần đầu được công bố năm 2021, trong cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland.
Mỹ rút khỏi chương trình JETP tại nhiều quốc gia - gồm Indonesia, Nam Phi và Việt Nam.
Joanne Yawitch - người đứng đầu bộ phận quản lý dự án JETP tại Nam Phi - nói phía Mỹ đã thông báo về việc rút khỏi dự án. Tuy vậy, vẫn còn nguồn tài chính đáng kể và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) cam kết hỗ trợ Nam Phi thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa phản hồi về nội dung này.
Các đối tác khác - bao gồm Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, Anh, Hà Lan và Đan Mạch - vẫn cam kết tham gia chương trình. Hiện JETP đang có các dự án hàng tỷ USD tại Nam Phi, Indonesia và Việt Nam. JETP được ca ngợi là một bước đột phá khi đưa ra một mô hình để đưa nguồn tài trợ công và tư hợp lại với nhau. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm do những thách thức về tài chính, những vấn đề thay đổi lãnh đạo ở các nước, và tính chất phức tạp của việc đóng cửa các nhà máy điện than.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại nhiệm sở vào tháng 1, chính quyền Washington đã cắt giảm viện trợ nước ngoài và ủng hộ phát triển nhiên liệu hóa thạch.
Cam kết của JETP với Indonesia là 21,5 tỷ USD. Trước khi rút khỏi JETP, Mỹ cũng rút khỏi vị trí đồng lãnh đạo Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) tại nước này - một liên minh nước giàu chiếm một nửa gói viện trợ.
JETP ở Nam Phi cam kết viện trợ 11,6 tỷ USD, trong đó riêng Mỹ nếu không rút sẽ góp hơn 1 tỷ USD cho quốc gia này.
Việt Nam công bố chương trình JETP vào cuối năm 2022, cùng Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) cam kết hỗ trợ gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch. Mức cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển dịch năng lượng là 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3 - 5 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!