Mỹ ngừng viện trợ Nam Phi do luật đất đai gây tranh cãi

Mạnh Dương (Theo CNN)-Thứ hai, ngày 10/02/2025 13:47 GMT+7

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 30/1/2025. (Ảnh: AFP)

bangdatally.xyz - Mỹ quyết định ngừng viện trợ Nam Phi, viện dẫn chính sách cải cách đất đai gây tranh cãi và lập trường của nước này đối với Israel.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm đóng băng viện trợ dành cho Nam Phi, viện dẫn chính sách cải cách đất đai gây tranh cãi và lập trường của nước này đối với Israel trong xung đột tại Gaza.

Sắc lệnh được ký vào ngày 9/2, trong đó ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp tục hỗ trợ Nam Phi nếu chính phủ nước này thực hiện các chính sách mà ông cho là thể hiện "sự coi thường đáng kinh ngạc đối với công dân của họ" và vi phạm nhân quyền. Ông cũng yêu cầu các cơ quan Mỹ ngừng mọi khoản viện trợ cho Nam Phi, trừ khi được cho là cần thiết.

Mỹ ngừng viện trợ Nam Phi do luật đất đai gây tranh cãi - Ảnh 1.

Nông dân làm việc tại trang trại thu hoạch mía trên đất của Charles Senekal gần thị trấn Mkuze, Kwazulu-Natal, Nam Phi. (Ảnh: AP)

Nam Phi từ lâu đã thực hiện chính sách cải cách đất đai nhằm giải quyết bất bình đẳng lịch sử thời kỳ Apartheid. Vào tháng 1/2024, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký ban hành luật cho phép chính phủ trưng dụng đất mà không cần bồi thường trong một số trường hợp. Tuy nhiên, ông khẳng định chính quyền không có kế hoạch "tịch thu đất" và sẵn sàng làm việc với Mỹ về chính sách này.

Sắc lệnh của ông Trump cũng chỉ đạo Mỹ hỗ trợ người Afrikaner - một nhóm sắc tộc hậu duệ của các thực dân châu Âu - rời khỏi Nam Phi do cáo buộc phân biệt đối xử, trong đó có việc tịch thu đất đai. "Chừng nào Nam Phi còn tiếp tục những hành động không công bằng và phi đạo đức này, Mỹ sẽ không cung cấp viện trợ và sẽ hỗ trợ tái định cư cho người Afrikaner rời khỏi Nam Phi", sắc lệnh nêu rõ.

Mỹ ngừng viện trợ Nam Phi do luật đất đai gây tranh cãi - Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Bộ Ngoại giao Nam Phi bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước quyết định này, cho rằng sắc lệnh của ông Trump "thiếu chính xác về mặt thực tế và không thừa nhận lịch sử đau thương của Nam Phi dưới chế độ thực dân và Apartheid". Nam Phi cũng cho rằng động thái này là một "chiến dịch thông tin sai lệch" nhằm bóp méo hình ảnh đất nước.

"Thật mỉa mai khi sắc lệnh này cung cấp quy chế tị nạn cho một nhóm vẫn thuộc tầng lớp kinh tế đặc quyền ở Nam Phi, trong khi những người dễ tổn thương ở Mỹ từ các khu vực khác trên thế giới lại bị trục xuất và từ chối tị nạn", bộ này tuyên bố.

Mỹ ngừng viện trợ Nam Phi do luật đất đai gây tranh cãi - Ảnh 3.

Binh lính Nam Phi xếp hàng trên đường dẫn đến tòa thị chính Cape Town, nơi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đọc bài diễn văn liên bang thường niên, ngày 6/2/2025. (Ảnh: AP)

Ngoài vấn đề đất đai, sắc lệnh của ông Trump còn đề cập đến lập trường của Nam Phi đối với Israel. Gần đây, Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc nước này phạm tội diệt chủng trong xung đột tại Gaza. Chính phủ Nam Phi cho rằng Israel "có ý định hủy diệt người Palestine" và kêu gọi tòa án yêu cầu Israel ngừng chiến dịch quân sự.

Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh Nam Phi sẽ không lùi bước trước áp lực quốc tế. Trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội, ông tuyên bố: "Người dân Nam Phi là những con người kiên cường, và chúng tôi sẽ không nhượng bộ".

Trước đó, trong cuộc trò chuyện với tỷ phú Elon Musk - người gốc Nam Phi, ông Ramaphosa cũng nhấn mạnh quốc gia của mình luôn đề cao các giá trị hiến pháp về pháp quyền, công lý và bình đẳng.

Theo trang web Hỗ trợ Nước ngoài của Mỹ, Washington đã cam kết viện trợ gần 440 triệu USD cho Nam Phi trong năm 2023, trong đó hơn 270 triệu USD đến từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Tuy nhiên, sắc lệnh của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang cắt giảm mạnh viện trợ nước ngoài, bao gồm các động thái nhằm giải thể USAID.
Nam Phi kết thúc chiến dịch cứu hộ ở mỏ vàng, ít nhất 78 người chết Nam Phi kết thúc chiến dịch cứu hộ ở mỏ vàng, ít nhất 78 người chết Ít nhất 100 người thiệt mạng do mắc kẹt dưới mỏ vàng ở Nam Phi Ít nhất 100 người thiệt mạng do mắc kẹt dưới mỏ vàng ở Nam Phi Ghi nhận hơn 10.000 ca mắc rubella, Nam Phi ra cảnh báo y tế toàn quốc Ghi nhận hơn 10.000 ca mắc rubella, Nam Phi ra cảnh báo y tế toàn quốc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước