Biểu đồ từ năm 2000 đến nay cho thấy, giao dịch thương mại hàng hoá và dịch vụ chiếm tỷ trọng trong GDP của 4 nước: Mỹ, Trung Quốc, Canada và Mexico cụ thể: Năm 2023, thương mại chiếm tới 73% GDP của Mexico, Canada chiếm 67% GDP. Trung Quốc và Mỹ ít phụ thuộc vào thương mại hàng hoá, khi thương mại chỉ chiếm 37% GDP Trung Quốc, và 25% GDP của Mỹ.
Biểu đồ giao dịch thương mại hàng hoá và dịch vụ của 4 nước: Mỹ, Trung Quốc, Canada và Mexico.
Nếu sự phụ thuộc vào thương mại là một điểm yếu, thì trong sân chơi thuế quan, Mexico và Canada sẽ bất lợi hơn. Trong khi Mỹ có thể chủ động trong cuộc chơi này nhất thì Trung Quốc cũng có thế mạnh nhất định của họ.
Theo CNN, bài phát biểu tại Quốc hội của Tổng thống Trump cho thấy thông điệp khá rõ về các mặt hàng dự kiến bị đánh thuế, khởi đầu bằng các mặt hàng chủ lực, các mặt hàng khác và tăng thuế dần theo thời gian để tăng sức ép. Nhưng sau đó lại có sự hoà hoãn, ít nhất là trong vòng 1 tháng tới đây.
Nhìn từ câu chuyện thuế quan với Mexico và Canada, Nhật báo phố Wall cho rằng thuế quan của Tổng thống Trump là nghệ thuật của thương thảo. Thị trường cho rằng ông Trump sẽ đàm phán. Và ông cũng nói rõ những gì ông ấy muốn từ các mức thuế quan này là để: giảm người nhập cư và giảm buôn lậu fentanyl (thuốc giảm đau gây nghiện) vào Mỹ từ các đường biên giới.
Theo các nhà phân tích, nếu tất cả mức thuế quan của ông Trump được áp dụng sau khi hết thời gian tạm dừng 30 ngày, giá dầu dự kiến tăng đột biến trong ngắn hạn, giá cả hàng hóa tăng cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ và lãi suất của nước này sẽ tăng cao hơn trong dài hạn, dẫn đến đồng USD cũng có thể tăng giá mạnh.
Tổng thống Donald Trump đã công bố áp đặt mức thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Phản ứng lại, Trung Quốc đã áp thuế bổ sung 10% lên dầu thô và 15% lên than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ đưa ra các chính sách bất lợi cho thương mại điện tử Trung Quốc?
Mỹ đang nhắm tới quy định về đánh thuế những kiện hàng giá trị dưới 800 USD được nhập khẩu vào nước này. Hiện tại, những kiện hàng dưới 800 USD có thể được miễn thuế. (Ảnh minh họa)
Trong cuộc đối đầu thương mại lần này, phía Mỹ đã nhắm vào những kiện hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Giữa tuần này, Cơ quan dịch vụ bưu chính Mỹ (USPS) thông báo sẽ từ chối, không tiếp nhận các bưu kiện từ Trung Quốc. Chỉ sau 12 tiếng, cơ quan này đã thay đổi, nối lại hoạt động nhận các kiện hàng của Trung Quốc.
Sự thay đổi đột ngột khiến các nhà bán lẻ và các công ty vận chuyển bối rối. Trước đó, lệnh áp thuế 10% lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nước này thêm quan ngại về nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang.
Bà He Yongqian - Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Lĩnh vực này đại diện cho một xu hướng quan trọng trong thương mại quốc tế. Quyết định gần đây của Mỹ về việc áp thuế 10% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và điều chỉnh chính sách miễn thuế tối thiểu đối với các gói hàng trị giá nhỏ chắc chắn sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ, và làm giảm trải nghiệm mua sắm của họ".
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng đang nhắm tới quy định về những kiện hàng giá trị dưới 800 USD được nhập khẩu vào nước này. Hiện tại, những kiện hàng dưới 800 USD có thể được miễn thuế. Đây là quy định trước giờ vẫn có lợi cho những gói hàng giá rẻ của Trung Quốc, trong đó phần nhiều là hàng mua qua mạng, từ các nhãn hàng Shein hay Temu. Theo một báo cáo được Ủy ban Quốc hội Mỹ về Trung Quốc đưa ra vào tháng 6/2023, hai công ty này có thể chiếm hơn 30% tổng số gói hàng dưới 800 USD được vận chuyển vào Mỹ mỗi ngày. Báo cáo cũng cho thấy gần một nửa số bưu kiện được vận chuyển theo diện này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!