Mỹ từng điều phi cơ B-52 bay qua bầu trời Tallinn để mừng ngày quốc khánh Estonia trong quá khứ, nhưng những diễn biến địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực đã đưa đội hình bay này vào một bối cảnh khác.
Khi bay qua Tallinn, máy bay ném bom chiến lược B-52H đã gia nhập đội hình với 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và một cặp F/A-18 Hornet. Những chiếc F-35A rất có thể là chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Hà Lan hiện đang thực hiện nhiệm vụ Cảnh sát hàng không Baltic từ Căn cứ Không quân Ämari ở Estonia. Trong khi đó, những chiếc F/A-18 có thể đến từ Không quân Phần Lan.
Mặc dù đã được lên lịch, những chiếc oanh tạc cơ B-52 của Mỹ vẫn gây ra nhiều đồn đoán trên mạng xã hội, đặc biệt là vì sự kiện này diễn ra đúng 3 năm sau ngày Nga phát động cuộc chiến toàn diện vào Ukraine, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Nga và giữa Washington - NATO, đang có sự thay đổi kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1 năm nay.
Chiếc B-52 thuộc Phi đội ném bom số 5 từ Căn cứ Không quân Minot, Bắc Dakota, là một trong hai chiếc hiện đang có mặt tại RAF Fairford ở Anh như một phần của đợt triển khai Lực lượng đặc nhiệm ném bom (BTF) thường lệ.
Những đợt triển khai như vậy thường liên quan đến các nhiệm vụ trong và xung quanh Biển Baltic, một khu vực có tầm quan trọng đáng kể, đặc biệt là kể từ đầu cuộc xung đột Ukraine và những căng thẳng Đông-Tây diễn ra sau đó.
Dựa trên dữ liệu công khai có sẵn từ các trang web theo dõi chuyến bay trực tuyến, máy bay ném bom B-52H của Mỹ đã bay đến cách biên giới Nga-Estonia khoảng 80km trước khi quay về phía nam.
Tiếp tục chặng bay trở về, chiếc B-52 bay qua Latvia và Lithuania, trước khi bay vào không phận Ba Lan, khu vực Suwalki Gap, cách biên giới Belarus khoảng 16km.
Khoảng cách Suwalki Gap là tuyến đường bộ ngắn nhất giữa Belarus và vùng đất tách biệt Kaliningrad của Nga được quân sự hóa mạnh mẽ, với khoảng cách 64km. Do đó, nơi đây đã trở thành một điểm nghẽn và là khu vực có tầm quan trọng về chiến lược và quân sự lớn đối với NATO và Nga. Nếu một cuộc xung đột nổ ra trong khu vực, việc Nga kiểm soát Khoảng cách Suwalki Gap sẽ cắt đứt ba quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia khỏi phần còn lại của Liên minh châu Âu và sẽ tạo ra một cầu nối đất liền đến Kaliningrad.
Theo trang quân sự Warzone, đối với ba quốc gia vùng Baltic nói riêng, đội hình B-52H ngày hôm qua có thể được coi là lời nhắc nhở về cam kết của Mỹ đối với sự độc lập liên tục của họ trước chính quyền Moscow.
Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về sự kiện này. Tuy nhiên, vào năm 2023, khi một cặp máy bay B-52 cũng bay qua Tallinn vào Ngày Độc lập của Estonia, Tướng Không quân James Hecker, chỉ huy Không quân Hoa Kỳ tại Châu Âu-Không quân Châu Phi và Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh NATO, đã phát biểu: "Mỹ và Estonia là đồng minh thân thiết và chia sẻ mối quan hệ đối tác mạnh mẽ dựa trên cam kết chung về dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Chúng tôi vẫn kiên định cam kết bảo vệ tự do và chủ quyền của Estonia cùng tất cả các đồng minh vùng Baltic, chống lại mọi mối đe dọa đối với an ninh chung".
Trong những tuần gần đây, Mỹ - Nga đã có một động thái đột ngột nhằm bình thường hóa quan hệ đôi bên. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth đã nói rằng Mỹ "không còn là người bảo đảm an ninh chính ở châu Âu nữa". Đây là những lời mà các quốc gia vùng Baltic - vốn phụ thuộc rất nhiều vào các đồng minh NATO của họ về quốc phòng - đặc biệt quan tâm.
Theo suy đoán, một cuộc phô trương sức mạnh của Mỹ có thể mang theo một số tín hiệu mạnh mẽ không chỉ đối với Nga mà còn đối với các quốc gia vùng Baltic và rộng hơn là đối với các thành viên khác của liên minh NATO, những người chắc chắn đang lo ngại về các thông điệp gần đây từ chính quyền Tổng thống Donald Trump gửi đến châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!