Thông báo trên được đưa ra sau khi vòm chắn khổng lồ trên nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị một thiết bị bay không người lái tấn công, gây thủng một phần mái của vòm vào hồi tháng 2 vừa qua.
Cụ thể, hôm 14/2, một máy bay không người lái (UAV) mang đầu đạn nổ mạnh - ước tính có giá thành sản xuất 20.000 USD - đã xuyên thủng vòm chắn. Giới chức Ukraine cáo buộc Nga cố tình nhắm vào cấu trúc này bằng UAV tự sát Shahed 136 của Iran. Tuy nhiên, phía Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Vụ tấn công này đã gây ra đám cháy kéo dài đến 3 tuần. Lực lượng cứu hộ đã phải đục lỗ lớp ngoài mái vòm, tìm đám cháy và phun nước vào bên trong công trình vốn được thiết kế để luôn khô ráo nhằm ngăn ngừa ăn mòn.
Ngày 7/3, Ukraine tuyên bố đám cháy đã được kiểm soát hoàn toàn, nhưng khoảng một nửa phần phía Bắc của vòm chắn đã bị hư hại. Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 13/3 cho hay cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại lớn ở phần phía Bắc và hư hại ở mức độ thấp hơn tại phần phía Nam.
Lỗ thủng trên vòm chắn do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây ra (Ảnh: State Emergency Service of Ukraine)
Mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy vẫn bình thường. Tuy nhiên,chưa rõ vòm chắn khổng lồ sẽ được cơ quan nào sửa chữa, sửa chữa như thế nào, chi phí bao nhiêu và trong bao lâu.
Được biết, mái vòm khổng lồ này là nỗ lực hợp tác của 45 quốc gia, với chi phí lên tới 1,7 tỷ USD và được thiết kế để chống chọi tất cả tình huống thiên tai trong 100 năm, nhằm chống rò rỉ phóng xạ từ vụ nổ tại Chernobyl vào năm 1986.
Vụ nổ tại Chernobyl năm 1986 được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Nó đã giải phóng vật liệu phóng xạ vào không khí, gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên khắp châu Âu và khiến không ít người nghi ngờ về năng lượng hạt nhân.
Liên Xô đã xây dựng một cấu trúc ngăn chặn khẩn cấp bằng bê tông và thép để bao bọc lò phản ứng bị hư hại, được đặt biệt danh là "quan tài bê tông". Mái vòm khổng lồ bằng thép bao trùm lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl từ năm 2016 là cấu trúc có thể di động lớn nhất thế giới. Nó cao 110 mét, dài 165 mét, nặng gần 40.000 tấn. Hơn 45 quốc gia và tổ chức đã chi gần 1,7 tỷ USD để tạo ra nó.
Chính quyền cũng thiết lập một khu vực cấm rộng gần 2.600 km² quanh nhà máy, nơi không ai được phép sinh sống.
Số người chết được báo cáo trong vụ nổ là 31. Tuy nhiên, không ít người đã mắc bệnh và tử vong sau đó. Tỷ lệ ung thư - đặc biệt là ung thư tuyến giáp - đã tăng mạnh ở những khu vực tiếp xúc nhiều với phóng xạ.
"Quan tài" bao bọc lò phản ứng ngày càng trở nên mất ổn định và được cho là không thể tồn tại lâu dài, phải mất hàng thập kỷ để tìm ra cách thay thế nó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!