Một máy bay phản lực của American Airlines va chạm với một trực thăng của Quân đội Mỹ trong khi hạ cánh, ngày 29/1/2025. (Ảnh: AP)
Trong thời gian qua, hàng loạt sự cố hàng không nghiêm trọng đã xảy ra. Ngày 29/1, một vụ va chạm giữa máy bay chở khách của American Airlines và trực thăng quân đội Mỹ đã khiến 67 người thiệt mạng gần Washington. Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ năm 2001.
Ngày 31/1, máy bay y tế Learjet rơi xuống khu dân cư tại Philadelphia ngay sau khi cất cánh, tạo ra quả cầu lửa lớn và khiến 6 người trên máy bay cùng một người dưới mặt đất thiệt mạng.
Ngoài ra, một máy bay hạng nhẹ Cessna rơi tại Alaska hôm 8/2 cũng khiến toàn bộ 10 người trên máy bay tử vong.
Tìm kiếm nạn nhân vụ va chạm máy bay trên Sông Potomac hôm 29/1/205. (Ảnh: AP)
Bên cạnh các vụ tai nạn nghiêm trọng, hàng không Mỹ cũng ghi nhận nhiều sự cố khác, như máy bay của Japan Airlines va chạm với phi cơ Delta tại sân bay Seattle, một máy bay của United Airlines bốc cháy trong quá trình cất cánh tại Houston do sự cố động cơ, hay các vụ hành khách mở cửa thoát hiểm và người trốn trong khoang bánh máy bay.
Ngành hàng không có thực sự an toàn?
Dù các vụ tai nạn phần nào gây hoang mang dư luận, nhưng theo giới chức hàng không, tỷ lệ tai nạn chết người trong ngành vẫn ở mức rất thấp. Tại Mỹ, kể từ năm 2009 đến nay, chưa có vụ tai nạn chết người nào liên quan đến các hãng hàng không thương mại.
Tuy nhiên, trên thế giới, tai nạn hàng không vẫn xảy ra. Hồi tháng 12/2024, một thảm họa tai nạn máy bay ở Hàn Quốc đã khiến toàn bộ 179 hành khách thiệt mạng. Trước đó, các vụ rơi máy bay Boeing 737 Max vào năm 2018 và 2019 cũng làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của dòng máy bay này.
Các công nhân kiểm tra khu vực nơi cánh của một máy bay Japan Airlines đâm vào đuôi của một máy bay Delta Air Lines. (Ảnh: AP)
Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát không lưu tại Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng thiếu nhân lực, mức lương chưa cạnh tranh và khối lượng công việc quá tải. Tổng thống Donald Trump gần đây cũng chỉ trích hệ thống kiểm soát không lưu là "lỗi thời" và cam kết sẽ nâng cấp.
Bất chấp nhiều lo ngại, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Sean Duffy khẳng định hàng không vẫn là phương thức di chuyển an toàn nhất. Theo số liệu từ Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, nguy cơ tử vong do tai nạn ô tô cao gấp nhiều lần so với tai nạn hàng không.
Những biện pháp được triển khai
Cục Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đang điều tra các vụ tai nạn gần đây nhằm xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp ngăn chặn những sự cố tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, NTSB cho biết nhiều khuyến nghị an toàn trước đây vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Các bộ phận của chiếc máy bay gặp nạn được nâng lên khỏi mặt nước trên Sông Potomac sau vụ va chạm (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Sean Duffy cam kết sẽ ưu tiên vấn đề an toàn hàng không, đồng thời đảm bảo ngành hàng không ngày càng an toàn và hiệu quả hơn. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi đang triển khai các kế hoạch để cải thiện hệ thống và đảm bảo an toàn cho hành khách".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!