Nguyên nhân là do chính quyền Syria cần phải xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước và thiết lập một hệ thống chính trị hoạt động.
Ông Al-Sharaa - còn được gọi là Abu Mohammad al-Joulani - lên nắm quyền vào tháng 12/2024 sau khi các phe phái do lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Bashar al-Assad. Ông al-Assad - người đã giữ chức Tổng thống Syria từ năm 2000 - đã chạy trốn sang Nga, nơi ông và gia đình được cấp quyền tị nạn. Chính quyền mới đã đình chỉ hiến pháp và tuyên bố thời kỳ chuyển tiếp dưới sự lãnh đạo của HTS.
Thảo luận về mốc thời gian cho các cuộc bầu cử trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Syria vào ngày 3/2, Tổng thống lâm thời al-Sharaa cho biết bước đi này sẽ không khả thi trong ngắn hạn do những trở ngại về mặt cơ cấu và hậu cần.
"Tôi ước tính rằng thời gian sẽ kéo dài từ 4 đến 5 năm cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử vì cần phải có một cơ sở hạ tầng rộng lớn. Và cơ sở hạ tầng này cần được tái thiết và việc thiết lập nó cần có thời gian" - ông nói với Đài Truyền hình Syria. Ông cũng tuyên bố rằng chính phủ chuyển tiếp Syria sẽ tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trước khi tổ chức bầu cử.
Đất nước Syria cần phải xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước và thiết lập một hệ thống chính trị hoạt động (Ảnh: AP)
Chính quyền mới của Syria trước đây đã tuyên bố sẽ soạn thảo hiến pháp mới và tái cấu trúc các thể chế nhà nước. Ông Al-Sharaa xác nhận một hội nghị quốc gia sẽ được tổ chức để giải quyết các vấn đề về quản trị và thành lập một hội đồng lập pháp để giám sát các cuộc cải cách. Lãnh đạo HTS cũng tuyên bố rằng các phe phái vũ trang sẽ được sáp nhập vào lực lượng an ninh nhà nước Syria. Tuy nhiên, không có mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra cho những biện pháp này.
Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nga và Iran - những đồng minh lâu năm của cựu Tổng thống Syria - ban đầu lên án việc tiếp quản, mô tả đây là một cuộc đảo chính có vũ trang của các phe phái cực đoan. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia vùng Vịnh đã ra tín hiệu cởi mở trong việc tiếp cận thận trọng với chính quyền mới.
Tuy nhiên, kể từ đó, Nga vẫn duy trì liên lạc với chính quyền mới của Syria. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng Nga "không thể tránh khỏi việc liên lạc với những người kiểm soát tình hình trên thực địa". Một phái đoàn Nga đã có cuộc hội đàm với chính quyền mới tại Damascus vào tháng 1, bày tỏ mong muốn tiếp tục mối quan hệ ổn định trong lịch sử giữa hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!