Hình ảnh những đoàn người di cư từng ùn ùn đổ đến biên giới phía Nam nước Mỹ mang theo hy vọng về giấc mơ Mỹ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nay thời thế đã khác. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, những chính sách cứng rắn về nhập cư và yêu cầu trục xuất hàng triệu người di cư bất hợp pháp đã kích hoạt một làn sóng mới - di cư ngược. Đây là cụm từ mô tả làn sóng người nhập cư được đưa về hoặc trở lại quê nhà do tác động của lệnh trục xuất.
Họ đã đi bộ, vượt qua rừng rậm để đến Mỹ. Nay hàng loạt thuyền chở những người di cư quay trở về quê hương. Nhiều người trong số những người di cư này đã chờ đợi nhiều tháng, thậm chí hơn một năm ở Mexico để được cấp phép tị nạn tại Mỹ từ thời Tổng thống Biden. Tuy nhiên, hy vọng đó đã "tan thành mây khói" khi Tổng thống Trump nhậm chức và ngay lập tức đóng ứng dụng xử lý đơn xin tị nạn.
Ông Rod Kise - cán bộ quan hệ công chúng thuộc Cục Hải quan và biên phòng Mỹ - cho biết: "Hoạt động vượt biên đã giảm xuống và đã giảm được một khoảng thời gian. Có nhiều lý do khác nhau, có thể là hệ quả của việc siết nhập cư, thông điệp được truyền đến người dân ở đất nước họ. Có thể là do Mexico tuần tra biên giới, tăng cường lực lượng và làm nhiều hơn, cảnh giác hơn ở biên giới phía Bắc của họ".
Người di cư Venezuela bị trục xuất khỏi Mỹ đến sân bay quốc tế Simon Bolivar ở Maiquetía, Venezuela, ngày 24/2 (Ảnh: AP)
Gần 300 người từ 10 quốc gia - chủ yếu là châu Á - bị giam giữ ở đây. Họ không thể rời khỏi phòng khách sạn của mình và được cảnh sát canh gác.
Trong tháng đầu tiên cầm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã đạt được thỏa thuận với Mexico, Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica và Panama để đóng vai trò là điểm dừng chân hoặc điểm đến cho những người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ. Tuy nhiên, không có thỏa thuận chi tiết nào được công khai.
Theo đó, hiện không phải là Mỹ mà là các nước phía Nam hứng phải hứng chịu những làn sóng di cư ngược. Panama và Costa Rica nằm trong số các nước Mỹ Latin đồng ý hợp tác với Mỹ, tiếp nhận hàng trăm người bị trục xuất từ Mỹ, trong khi những nước này cũng đang đối mặt với hàng nghìn người di cư Venezuela tự trở về nước và sẽ đi qua lãnh thổ Panama.
Tổng thống Panama Mulino cho biết những người di cư dự kiến được chuyển đến một nơi trú ẩn ở khu vực rừng rậm Darien, giáp biên giới với Colombia, trước khi được trả về nước. Những người bị giam giữ ở Darien Gap phàn nàn về điều kiện sống khắc nghiệt, thiếu thông tin và không được tiếp cận với cố vấn pháp lý.
Mỹ sẽ tiếp tục tài trợ cho các chuyến bay đưa người di cư về nước (Ảnh: AP)
Anh Abel Fernandez - người di cư Venezuela - chia sẻ: "Chúng tôi bị mắc kẹt ở đây. Tất cả các quốc gia chúng tôi đã đi qua đều tốt. Họ hỗ trợ chúng tôi. Nhưng Panama là "nút thắt cổ chai". Họ đòi 500 đến 700 USD để cho qua biên giới đến Colombia. Chúng tôi lấy đâu ra 500 - 600 USD?".
Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết Washington sẽ tiếp tục tài trợ cho các chuyến bay đưa người di cư từ Panama về các nước.
Còn nhóm người di cư - chủ yếu là người châu Á, bị trục xuất khỏi Mỹ đến Costa Rica - sẽ được phép ở lại Costa Rica trong một tháng. Trong thời gian đó, họ sẽ được tự nguyện đưa về nước. Chính phủ Mỹ sẽ chi trả các chi phí. Nếu họ từ chối về nước, Costa Rica sẽ cho họ tị nạn, hoặc sẽ làm việc với Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc để tạo điều kiện cho những người này đến quốc gia thứ ba.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!