Những người đưa cơm hàng ngày cho người già - nhất là những người sống một mình tại chung cư Meimai, tỉnh Hyogo - được người dân gọi mà "Himawari". Ngoài ra họ còn theo dõi tình trạng sức khỏe của người cao tuổi khi họ sống một mình.
Một người cao tuổi ở Nhật bản chia sẻ: "Mỗi ngày với tôi đó là sự khó khăn, tôi cũng muốn nghỉ ngơi một chút. Nên tôi đã nhờ đến những Himawari, họ chế biến đồ ăn phong phú và mang tới cho tôi".
Theo ông Oishi Suzuko - thuộc Tổ chức hỗ trợ cư dân, người già sống cô đơn một mình đang thành vấn đề của khu chung cư Memai. Ước tính có hàng trăm người già sống một mình tại đây và gia tăng qua mỗi năm.
Ông Oishi Suzuko nói: "Tỷ lệ người già ở chung cư Memai này đã tăng lên. Những người trên 65 tuổi đã chiếm đến hơn 43%, đáng chú ý là người già sống một mình cũng tăng".
Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản, năm 2024, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 76.000 người già qua đời trong cô đơn tại nhà riêng. Trong số này, người trên 65 tuổi chiếm đến 76%. Đáng chú ý, trong đó có hơn 14.000 trường hợp là người trên 85 tuổi - nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong thống kê.
Tokyo - thủ đô hiện đại và đông dân nhất Nhật Bản - là nơi ghi nhận số trường hợp chết cô quạnh nhiều nhất, tiếp theo là các thành phố lớn như Osaka và Kanagawa.
Công tác tăng cường kết nối xã hội cho người cao tuổi sẽ được chính quyền Nhật Bản tập trung hơn nữa như một giải pháp ngăn chặn tình trạng trên.
Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ sử dụng kết quả thống kê này làm cơ sở để xây dựng và điều chỉnh chính sách, qua đó hỗ trợ tốt hơn cho người già sống một mình, từ đó ngăn ngừa tình trạng "cái chết cô quạnh" đang ngày càng phổ biến.
Tính đến năm 2023, có khoảng 8,55 triệu người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên sống một mình tại Nhật Bản - chiếm khoảng 34% tổng số hộ gia đình một người. Dự báo đến năm 2050, số lượng người cao tuổi sống một mình sẽ tăng lên khoảng 10,8 triệu - chiếm hơn 20% tổng số hộ gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!