Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Katz đưa ra tuyên bố này hôm 16/4, khi các nỗ lực khôi phục thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas đang chững lại.
Kể từ khi nối lại các hoạt động quân sự vào tháng 3, lực lượng Israel đã tạo ra một vùng an ninh rộng lớn sâu vào Gaza, dồn hơn 2 triệu người Palestine vào những khu vực ngày càng nhỏ hơn ở phía Nam và dọc theo bờ biển.
"Không giống như trước đây, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) không sơ tán những khu vực đã được giải tỏa và chiếm giữ" - Bộ trưởng Katz cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp với các chỉ huy quân sự - "IDF sẽ vẫn ở trong các vùng an ninh như một vùng đệm giữa đối thủ và các cộng đồng trong bất kỳ tình huống tạm thời hoặc lâu dài nào ở Gaza, như đã áp dụng ở Lebanon và Syria".
Trong bản tóm tắt về các hoạt động của mình trong tháng 3, quân đội Israel cho biết hiện lực lượng này đang kiểm soát 30% lãnh thổ của Palestine.
Chỉ riêng ở miền Nam Gaza, lực lượng Israel đã chiếm giữ thành phố biên giới Rafah và tiến sâu vào đất liền đến hành lang Morag chạy từ rìa phía Đông của Dải Gaza đến biển Địa Trung Hải, giữa Rafah và thành phố Khan Younis. Quân đội của Tel Aviv cũng đã chiếm giữ một hành lang rộng khắp khu vực Netzarim và mở rộng vùng đệm xung quanh biên giới hàng trăm mét vào đất liền, bao gồm cả khu vực Shejaia ở phía Đông của thành phố Gaza.
Người dân Palestine xếp hàng để nhận súp do tổ chức Heroic Hearts phân phát cho những người dân di dời đang sống trong lều trại ở Jabalia, phía Bắc Gaza (Ảnh: New York Times)
Israel cho biết từ ngày 18/3, lực lượng của nước này đã tiêu diệt hàng trăm chiến binh Hamas - bao gồm nhiều chỉ huy cấp cao, nhưng hoạt động này đã khiến Liên hợp quốc và các nước châu Âu lo ngại.
Hơn 400.000 người Palestine đã phải di dời kể từ khi giao tranh tiếp diễn vào ngày 18/3 sau hai tháng tương đối yên bình - theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA). Và các cuộc không kích và ném bom của Israel vào Gaza đã khiến ít nhất 1.630 người thiệt mạng.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết Gaza đã trở thành một ngôi mộ tập thể khi các nhóm nhân đạo đang phải vật lộn để cung cấp viện trợ. "Chúng ta đang chứng kiến cảnh tàn phá và di dời cưỡng bức toàn bộ dân số ở Gaza" - Amande Bazerolle, điều phối viên khẩn cấp của MSF tại Gaza, cho biết trong một tuyên bố.
Israel cho biết sẽ tiếp tục chặn viện trợ nhân đạo vào Gaza, tuyên bố sẽ buộc Hamas thả những con tin còn lại sau vụ tấn công ngày 7/10/2023.
Nguồn cung cấp viện trợ - bao gồm thực phẩm, nhiên liệu, nước và thuốc men - đã bị Israel chặn không cho vào Gaza kể từ ngày 2/3/2025, hơn hai tuần trước khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine sụp đổ. Các cuộc tấn công trên không và trên bộ vào vùng lãnh thổ Palestine này tiếp tục diễn ra.
Bộ trưởng Israel Katz tuyên bố: "Chính sách của Israel rất rõ ràng: không có viện trợ nhân đạo nào vào Gaza. Và việc chặn viện trợ này là một trong những đòn bẩy gây áp lực ngăn cản Hamas sử dụng nó như một công cụ với người dân".
Ông Katz thề sẽ leo thang xung đột bằng sức mạnh khủng khiếp nếu Hamas không thả con tin.
Israel đã phát động cuộc chiến ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công vào tháng 10/2023 của Hamas vào miền Nam Israel, khiến 1.200 người thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin - theo số liệu của Israel.
Các cơ quan y tế địa phương Palestine xác nhận cuộc tấn công của Israel đã sát hại ít nhất 51.000 người Palestine và tàn phá vùng đất ven biển này, buộc hầu hết người dân phải di dời nhiều lần và biến nhiều khu vực rộng lớn thành đống đổ nát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!