Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bên phải) và Ngoại trưởng Gideon Saar (Ảnh: Flash90)
Theo Ngoại trưởng Israel, các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) thường xuyên đưa ra cáo buộc về hành vi vi phạm nhân quyền của Israel trong cuộc chiến ở Gaza, đồng thời có những thành kiến chống lại Tel Aviv kể từ năm 2006.
Vào năm ngoái, Liên hợp quốc đã thực hiện một cuộc điều tra quy mô lớn, sau đó đưa ra nhiều bằng chứng cáo buộc Israel phạm tội ác chống lại loài người.
Israel đã bác bỏ cáo buộc này và cho biết Lực lượng Phòng vệ IDF đã rất cẩn trọng để hạn chế tối đa thương vong cho dân thường tại Gaza.
Trong một lá thư gửi Chủ tịch UNHRC Jorg Lauber, Ngoại trưởng Saar nhấn mạnh: "Quyết định này được đưa ra dựa trên thành kiến liên tục và không ngừng nghỉ của Hội đồng Nhân quyền đối với Israel, vốn đã dai dẳng kể từ khi thành lập vào năm 2006".
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: AP)
Hoa Kỳ, đồng minh thân cận của Israel, đã rút khỏi UNHRC hôm 4/2. Động thái của Israel được cho là tiếp bước đồng minh Hoa Kỳ.
Quyết định của Israel đã vấp phải sự phản đối từ một chuyên gia về nhân quyền của Liên hợp quốc, mặc dù Israel không phải là một trong 47 thành viên bỏ phiếu của hội đồng và không phải lúc nào cũng tham dự các cuộc họp.
Mặc dù, UNHRC không có quyền ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các cuộc tranh luận của hội đồng có sức nặng chính trị và sự giám sát của hội đồng có thể gây áp lực toàn cầu lên các chính phủ để thay đổi hướng đi.
Đôi khi, các cuộc điều tra do UNHRC chỉ định có thể dẫn đến việc truy tố một tội ác chiến tranh tại các tòa án quốc tế.
"Israel vẫn cam kết bảo vệ quyền con người và sẽ tham gia thông qua các cơ chế đáng tin cậy, phi chính trị hóa", Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc - Daniel Meron, nói với các phóng viên. Ông Meron cho biết động thái này không liên quan đến Washington và nó vẫn sẽ diễn ra bất kể Mỹ có rút khỏi UNHRC hay không.
Liên hợp quốc phê phán quyết định của Israel
Ngày 6/2, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bà Francesca Albanese, đã phê phán quyết định của Israel về việc nước này rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Theo bà Albanese, quyết định của Israel cho thấy nước này không nhận thức được về những gì đã làm và đây là một quyết định "cực kỳ nghiêm trọng".
Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 4/2 (Ảnh: AP)
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo rút khỏi UNHRC hôm 4/2, đồng thời cho biết sẽ đánh giá lại mối quan hệ của Washington với các cơ quan khác của Liên hợp quốc trong các vấn đề liên quan đến Israel cũng như những thành kiến chống lại nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống, ông Trump cũng đã rút Mỹ khỏi UNHRC vào năm 2018.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!