Mục tiêu chính của hướng dẫn này là nhằm đảm bảo công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng một cách có trách nhiệm, minh bạch và không làm giảm chất lượng thông tin báo chí, duy trì tính chính xác của báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.
Chủ tịch Hội đồng báo chí Indonesia Ninik Rahayu nhấn mạnh quá trình soạn thảo hướng dẫn bắt đầu vào tháng 4/2024. Hội đồng đã thành lập một nhóm đặc nhiệm bao gồm các thành viên Hội đồng báo chí, đại diện từ các cơ quan truyền thông và một nhóm soạn thảo để xây dựng hướng dẫn. Hướng dẫn sẽ giúp đẩy nhanh các quy trình báo chí và cải thiện hiệu quả công việc.
Trong quá trình chuẩn bị, phản hồi đã được thu thập từ những tổ chức truyền thông đã sử dụng AI, cũng như từ các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, hướng dẫn đã trải qua giai đoạn thử nghiệm công khai bao gồm ý kiến đóng góp từ các bên liên quan như Tòa án Tối cao.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải duy trì sự kiểm soát chặt chẽ và các tiêu chuẩn đạo đức để đảm bảo AI không làm suy yếu các giá trị cơ bản của báo chí như tính chính xác, sự công bằng và độc lập.
Hướng dẫn bao gồm 8 chương và 10 điều khoản đề cập nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm các điều khoản chung, nguyên tắc cơ bản, công nghệ, xuất bản, thương mại hóa, bảo vệ, giải quyết tranh chấp và kết luận, từ quy trình sáng tạo nội dung đến các vấn đề pháp lý. Một điều khoản trong hướng dẫn nêu rõ rằng việc sử dụng AI trong việc tạo ra tác phẩm báo chí phải được con người giám sát.
Trước đó, Liên minh các nhà báo độc lập Indonesia (AJI) đã nhấn mạnh rằng AI không thể thay thế tác phẩm báo chí mà chỉ có thể đóng vai trò là công cụ hỗ trợ.
Với việc ban hành hướng dẫn này, Indonesia đã đặt ra một tiền lệ quan trọng trong việc quản lý và sử dụng AI trong lĩnh vực báo chí - lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!